Y học dự phòng, tiếng Anh là Preventive Medicine là lĩnh vực y tế liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Ngành Y học dự phòng gồm 2 mảng chính:
- Thực hiện chương trình y tế công cộng, chương trình y tế quốc gia, tham gia các tổ chức chính phủ về y tế, phát triển cộng đồng;
- Tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng, phục hồi chức năng, cấp cứu, điều trị các bệnh thường gặp ở tuyến cơ sở.
Nhiệm vụ chính là giám sát sức khỏe cộng đồng, dự báo và kiểm soát dịch bệnh. Nhân viên trong ngành cũng phát triển các kế hoạch phòng chống bệnh và giáo dục sức khỏe, nhằm ngăn chặn và kiểm soát bệnh tật, đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Y học dự phòng hướng đến việc ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển cũng như kiểm soát nguồn bệnh, nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng động.
Y học dự phòng bao gồm các hoạt động như tiêm chủng, khám sức khỏe định kỳ, tư vấn dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe và kiểm soát môi trường.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định thì nhóm chức danh bác sĩ y học dự phòng, bao gồm:
- Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) Mã số: V.08.02.04
- Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) Mã số: V.08.02.05
- Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) Mã số: V.08.02.06
Hiện nay người có văn bằng chuyên môn là bác sĩ y học dự phòng khi đủ điều kiện về thực hành theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP thì được cấp giấy phép hành nghề với phạm vi y khoa.
Khi có thêm các văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 127 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP thì được cấp điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi chuyên khoa phù hợp với văn bằng, chứng chỉ đó.
Người có giấy phép hành nghề khi có đủ thời gian 36 tháng sau khi được cấp giấy phép hành nghề thì được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi hành nghề của người hành nghề.