Trước viễn cảnh Đức, châu Âu, NATO bị cô lập, Thủ tướng Angela Merkel không còn cách nào khác ngoài thể hiện sự kiên nhẫn và chân thành trước nhà lãnh đạo Mỹ.
Mỹ không nên từ bỏ "những người bạn lâu năm"
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều nhà kinh tế lo sợ lập trường của ông có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại quốc tế. Dù mọi thứ đã không trở thành hiện thực, nhưng có điều còn đáng lo ngại hơn đó là Tổng thống Trump dường như đang muốn cô lập nước Mỹ với nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Angela Merkel đã đại diện cho cả EU và NATO tới Washington, nhằm tìm kiếm một quan hệ nồng ấm hơn với chính quyền Trump. |
Các công ty của Đức đã xuất khẩu 114 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ năm ngoái, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt được một nửa giá trị. Do đó, sự bảo hộ kinh tế mà Washington đang hướng tới chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới Berlin, cây bút Malte Rohwer-Kahlmann của tờ DW nhận định.
"Rào cản thương mại sẽ giáng một đòn lớn vào nền kinh tế Đức, khi nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với 40% tổng sản lượng kinh tế, theo số liệu hồi năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho các doanh nghiệp Đức", Rohwer-Kahlmann nêu quan điểm.
Thủ tướng Đức nổi tiếng là người kiên nhẫn và chân thành. Vì vậy, trong cuộc gặp đầu tiên với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần trước, các phương tiện truyền thông tập trung khắc họa về sự đối lập trong phong cách và thế giới quan tương phản mà cả hai đại diện.
Tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm, Thủ tướng Đức đã tìm cách đặt nền móng cho một mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế. Các chủ đề chính của cuộc thảo luận bao gồm an ninh và thương mại – những vấn đề được cho là không thể cấp bách hơn, Marcus Colla, học giả từ đại học Cambridge nhận định.
Vừa là người đứng đầu chính phủ Đức, bà Merkel còn đại diện cho cả EU và các nước thành viên NATO ở châu Âu tìm đến Washington, để tìm cách cứu vãn tình hình trước sự lạnh nhạt của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, cuộc họp có vẻ như đã không tạo ra bất cứ điều gì cụ thể, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về tương lai của thương mại Đức-Mỹ.
Học giả Colla đánh giá cao sự quyết tâm của bà Merkel khi muốn thuyết phục ông Trump rằng, với vai trò là người đại diện cho châu Âu (Đức), Washington đang có một đồng minh đáng tin cậy, có kinh nghiệm trên "sân khấu" chính trị thế giới. Bà Merkel chính là một trong những người mà ông Trump có thể tôn trọng và tìm ra được sự đồng điệu, ngay cả trong trường hợp có khác biệt.
Là một đại diện không chỉ của Đức, mà còn là các thành viên NATO và EU, bà Merkel đã tìm cách chứng minh rằng nước Mỹ không nên từ bỏ "những người bạn lâu năm".
Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác – những người đang lo ngại về sự quay lưng của tổng thống Mỹ - mục tiêu của bà Merkel là để chứng minh rằng, không chỉ nước Mỹ mà cá nhân ông Trump cũng sẽ cần họ.
“Một chuyến thăm ngắn sẽ không giúp bà Merkel đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kiên nhẫn vẫn là sở trường của Thủ tướng Đức”, chuyên gia Marcus Colla kết luận.
Tương lai được báo trước?
Những biệt hiệu “nhà lãnh đạo phương Tây” hay “nữ thủ tướng của châu Âu” mà truyền thông đặt cho là những điều Thủ tướng Đức Angela Merkel không hề mong muốn. Bà Merkel hiểu rằng, nước Đức chưa bao giờ mong muốn sẽ là quốc gia lãnh đạo của cả châu Âu, cũng như hiểu bản thân không đủ khả năng để gánh trách nhiệm đó trên vai.
Do đó, chuyến thăm đến Washington vào cuối tuần trước giống như một gánh nặng mà dù không muốn, nữ Thủ tướng Đức vẫn phải tự mình giải quyết.
Nước Đức đang cô độc trước sự thay đổi quá nhanh từ thế giới bên ngoài. |
Kỳ vọng quá lớn không phải là lý do duy nhất khiến Berlin cảm thấy lo lắng.
Thủ tướng Merkel nhận thức được rằng, vẫn còn quá nhiều rắc rối đang bủa vây khi nước Đức lúc này giống như một quốc gia bị cô lập giữa sức ép từ nhiều phía.
Phía Đông là các chính phủ độc lập không có nhiều thiện cảm với người Đức như Ba Lan hay Hungary. Xa hơn nữa là nước Nga đang trong mối quan hệ băng giá. Phía Tây là nước Mỹ đang thay đổi của Donald Trump. Phía Bắc là Vương quốc Anh với cú sốc Brexit. Và phía Nam là Ý và Hy Lạp, hai quốc gia gặp khó khăn về kinh tế đang đổ lỗi cho những tai ương họ gánh chịu về phía Chính phủ của bà Merkel.
Tình hình hiện tại đang khiến người Đức liên tưởng đến cơn ác mộng cũ trong quá khứ khi là một cường quốc hùng mạnh, nhưng bị cô lập ở trung tâm châu Âu. Tuy nhiên, sự "cô đơn" hiện tại của Đức xuất phát từ việc thế giới bên ngoài quốc gia này đang thay đổi nhanh chóng - khi chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc hiện hữu ở khắp châu Âu và Mỹ.
Chính phủ của bà Merkel phải đón nhận những lời chỉ trích hàng ngày từ Warsaw, Athens cho đến một loạt đồng minh thân thiết của mình đến khi các bên tìm được cách xử lý dứt điểm cho cuộc khủng hoảng đồng euro và vấn đề người tị nạn – điều đang là tác nhân gây xói mòn lòng tin của Liên minh châu Âu.
Mùa hè năm 2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ứng cử viên tổng thống Mỹ tràn đầy lý tưởng, nhiệt huyết - Barack Obama đã mang sự thân thiện của ông đến Berlin.
Tại Moscow, nhiệm kỳ của Tổng thống Vladimir Putin khi đó kết thúc và kế nhiệm là nhà lãnh đạo thân phương Tây Dmitry Medvedev. EU mở rộng quy mô về phía Đông và nước Đức được bao quanh bởi các nền dân chủ thân thiện.
Đồng euro hoạt động đúng hướng và các nước Nam Âu thịnh vượng, mang đến sự thiện cảm dành cho Đức cũng như các thành viên của liên minh. Trong khi cả Anh và Pháp đều được điều hành bởi các chính phủ trung lập có định hướng thân EU.
Mọi thứ khi đó đều rất tốt đẹp với nước Đức, nhưng chưa đầy một thập kỷ sau, các xu hướng đã thay đổi hoàn toàn. Sự đoàn kết của EU - thành trì cuối cùng đảm bảo việc chính phủ của bà Merkel sẽ không bị cô lập trên lục địa châu Âu, rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Nước Anh đã bỏ phiếu rời đi. Brexit diễn ra đồng nghĩa với EU mất đi một quốc gia luôn có vai trò quyết định đối với sự cân bằng quyền lực của châu Âu. Nó cũng đặt ra tiền lệ cho những cuộc đào thoát khác trong tương lai. “Chưa bao giờ viễn cảnh EU tan rã trở nên đậm nét hơn hiện tại”, cây bút Gideon Rachman nhận định trên Financial Times.
Trong những tháng tới, các đảng phái dân túy sẽ bắt đầu cuộc đua tranh gay gắt trong các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp. Nếu ứng viên Marine Le Pen thắng cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng Năm tới đây, Berlin lo sợ rằng EU có thể sụp đổ.
Trong khi đó ở Italia, các đảng phái thân EU đang mất dần tiếng nói do tác động từ cuộc khủng hoảng đồng euro. Phong trào Năm Sao – phe đối lập chính đi theo chủ nghĩa dân túy ở nước này rất có thể lên nắm quyền vào năm sau.
Sự phát triển trong quan hệ Moscow-Washington cũng gây lo lắng cho Chính phủ Đức.
Berlin đã dẫn đầu phản ứng của châu Âu với những chỉ trích nặng nề nhất đối với việc Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, cái giá mà Đức phải trả là sự thù nghịch giữa chính phủ Merkel của Đức và Điện Kremlin của ông Putin.
Không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nước Đức ít nhất có thể tin vào sự hỗ trợ kiên định của Mỹ. Nhưng trong kỷ nguyên của Tổng thống Trump, sự bảo đảm của Washington lại trở nên mơ hồ. Không chỉ thể hiện thái độ lạnh nhạt với chính phủ của bà Merkel, nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ còn đưa ra những hoài nghi về cam kết của ông đối với liên minh phương Tây.
Với rất nhiều khó khăn bủa vây, Đức đang đặt niềm hy vọng vào cuộc bầu cử Pháp sắp tới. Nếu ứng viên có có chủ trương gắn kết EU - Emmanuel Macron chiến thắng, sẽ có một niềm vui tại Berlin.
Cuộc bầu cử của ông sẽ phá vỡ thế cô lập ngày càng tăng của Đức và đưa ra hy vọng mới rằng, một quan hệ đối tác Pháp-Đức có thể hàn gắn lại sự chia rẽ của Liên minh châu Âu. Ngược lại, nếu bà Le Pen thắng, cơn ác mộng của nước Đức sẽ bắt đầu.
Quốc Vinh