Chúng tôi tìm đến nhà bà trong một khu chung cư cũ ở quận Bình Thạnh. Bà cụ mù sống một mình không người thân thích, chồng của bà mới qua đời hồi đầu năm. Bà cho biết, chuyện bị bắt nạt xảy ra không phải lần đầu.
"Bị chọc phá thường xuyên"
2 ngày sau khi bị đám đông gần chục người ức hiếp trước cổng Bưu điện TP.HCM, căn bệnh thấp khớp lại tái phát khiến bà cụ mù phải ngồi nhà, không thể đi bán vé số như thường ngày.
Trong căn gác chật hẹp tại chung cư ở quận Bình Thạnh, bà dò dẫm từng bước khó khăn, đôi bàn tay nhăn nheo kì cạch mở cửa cho chúng tôi.
Bà Giang dò dẫm mở cửa cho khách vào. |
Hai ngày sau khi xảy ra sự việc, bà Giang ở nhà vì căn bệnh thấp khớp tái phát. |
Bà Giang vẫn không thể lý giải được vì sao thời gian gần đây bản thân thường bị một số kẻ buôn bán xung quanh Bưu điện ném nước xua đuổi. Bà cho hay, mình bán vé số ở địa điểm nói trên gần 30 năm nay. Những kẻ quấy rối bà từng lớn lên và mưu sinh ở đây trong suốt khoảng thời gian bà ra đây kiếm sống.
"Đám người đó trước kia tôn trọng tôi lắm, nhưng thời gian gần đây thì tâm tính tụi nó thay đổi đến lạ kì. Tôi nghĩ việc mình bị xua đuổi có thể là do bản thân bị mù lòa, bán vé số nên cán bộ thương tình giúp đỡ. Còn đám người kia bị nhắc nhở, xua đuổi nên bọn chúng ghét ra mặt" - bà nói.
Suốt buổi nói chuyện, bà cụ không thích đề cập đến chuyện quấy phá. Bà tin vào luật nhân quả "ở hiền gặp lành". |
Theo một số người sống quanh khu vực Bưu điện TP.HCM và khu chung cư bà Giang sinh sống, bà rất khó tính, hay mắng chửi vô cớ. Về điều này, bà Giang giải thích: "Vì mắt bị mù nên đôi lúc phải "xù lông" lên tự bảo vệ mình trước kẻ xấu. Nếu như bản thân không bị xúc phạm, ức hiếp thì bà cũng chẳng dại gì tìm cách gây hấn với họ".
Cô đơn tuổi xế chiều
Bà Giang từng làm việc ở Bưu điện TP.HCM và trước đây từng có cuộc sống đủ đầy. Năm 1988, đôi mắt bỗng dưng bị mù khiến bà phải từ bỏ nghề nghiệp mà ở nhà. Không chịu bằng lòng với số phận, muốn kiếm thu nhập bằng chính khả năng của mình, thích nghi với hoàn cảnh, bà ngày ngày dò dẫm từng bước chân đến đại lý lấy vé số, sau đó nhờ xe ôm chở đến trước cổng Bưu điện bán.
Hằng tuần, bà đi bán vé số từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật đi nhà thờ. Trừ chi phí tiền xe ôm, mỗi ngày bà cũng dư được khoảng 20.000 đồng. Nguồn thu nhập đó không giúp cho vợ chồng bà có được cuộc sống tạm bợ nhưng nhờ hàng tháng chính quyền địa phương giúp đỡ hơn 200.000 đồng, 10kg gạo và nhiều vị khách mua vé số thấy thương tình cho thêm tiền... nên bà cũng phải chắt chiu, chi tiêu tằn tiện, phòng những ngày mưa gió không đi bán được.
Trong căn hộ, đồ đạc của bà chẳng có thứ gì đáng giá. |
Khu bếp ẩm thấp, bụi bặm này là nơi hằng ngày bà Giang nấu nướng cho bản thân. |
Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi có lần thắc mắc vì sao mắt bị mù, cuộc sống khó khăn, bà lại không có con cái chăm sóc?. Bà Giang lảng tránh câu trả lời và tìm cách chuyển sang chủ đề khác. Những người hàng xóm cũng không biết bà có con hay không bởi bà Giang mới chuyển về đây sinh sống được hơn 15 năm nay, căn hộ do chính quyền địa phương hỗ trợ, bà lại sống một mình, không tiếp xúc với bất cứ ai cùng khu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan (Tổ trưởng Tổ dân phố 19, P.19, Q.Bình Thạnh, TP. HCM) sống cùng khu chung cư nhận xét: “Bà cụ đi cả ngày, về đến nhà là đóng cửa, ít tiếp xúc với ai nên cũng không thấy xảy ra chuyện gì”.