Chiều 18/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão số 4).
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương không được chủ quan trong việc ứng phó áp thấp nhiệt đới.
Thông tin trên báo Dân trí, điều khiến Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lo lắng là việc áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ di chuyển chậm nên có nhiều diễn biến khó lường.
Trong đó, vấn đề lo ngại nhất là mưa lớn có thể xảy ra ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần của Quảng Ngãi.
"Chúng tôi quan ngại có một đợt mưa lớn sắp tới và không loại trừ giống như năm 2020. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo lắng", ông Hiệp bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: PLO
Do đó, để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão tiếp tục kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; rà soát tình trạng ngập lụt và các phương án sơ tán dân.
Bên cạnh đó, ông Hiệp nhấn mạnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng là những địa phương dễ xảy ra ngập lụt đô thị nên người dân cần đưa đồ đạc có giá trị đến những nơi cao để đảm bảo an toàn. Chính quyền sớm có phương án sơ tán người dân ở nơi ngập lụt đến nơi an toàn.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát kỹ mực nước tại các hồ chứa, hồ thủy điện, sớm có các kế hoạch ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.
Ông Hiệp đánh giá, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi nếu xảy ra mưa lớn rất dễ bị chia cắt nên địa phương cần thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ.
Tại cuộc họp, thông tin về tình hình tàu thuyền, Báo Công Thương dẫn lời Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng - cho biết, tính đến 11h ngày 18/9, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn: 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh. Trong đó, có 75 tàu/618 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Nghệ An 10 tàu/40 người, Đà Nẵng 33 tàu/399 người; Quảng Nam 1 tàu/7 người; Quảng Ngãi 27 tàu/148 người; Phú Yên 4 tàu/24 người).
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Báo Công Thương
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đã có công điện chỉ đạo chung phòng chống áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hoạch 100% lúa hè thu và 80% thủy sản. Trong tháng 8, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hồ thủy điện và thủy lợi đã tổ chức đoàn kiểm tra. Về cơ bản, an toàn hồ đập được đảm bảo, hiện tất cả các hồ thủy lợi, thủy điện có mực nước thấp.
“Đến 11h30 ngày 18/9, tất cả các phương tiện đã neo đậu tại bến an toàn. Địa phương cũng chuẩn bị các phương án đảm bảo thông tin liên lạc và an ninh lương thực, di dời dân. Đồng thời, tập trung theo dõi các dự báo và lượng mưa để có kịch bản cụ thể ứng phó kịp thời nhất”, ông Minh cho biết thêm.
Cũng tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Bộ Quốc phòng đã có 3 công điện yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó, đồng thời tổ chức ứng trực 268.806 người (bao gồm 56.855 bộ đội và hơn 210.000 dân quân tự vệ) với trên 4.000 phương tiện (trong đó có 10 trực thăng) sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có tình huống.
Để công tác ứng phó thiên tai đạt hiệu quả tốt, Đại tá Phạm Hải Châu đề nghị các địa phương rà soát các khu vực dễ bị sạt lở, có phương án thông báo, báo động tới người dân một cách nhanh nhất, tốt nhất để người dân biết được khu vực an toàn mà di chuyển tới.
Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Công Binh 544, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ cưa dọn cây đổ sau bão số 3. Ảnh: Dân trí
Bên cạnh đó, cần có phương án bảo đảm thông tin liên lạc khi bị chia cắt, cô lập. Đối với tàu thuyền hoạt động trên biển, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng kiểm điểm kêu gọi, cần cương quyết yêu cầu số tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 16h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 430 km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 km/h.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong những giờ qua, tốc độ di chuyển của áp thấp nhiệt đới đang chậm lại. Đồng thời qua theo dõi, đến nay các mô hình dự báo trong nước và quốc tế đều nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 4 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, với cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Ông Khiêm cũng cho biết do tác động của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối nay, vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, sóng cao 2-4 m.
Trên đất liền, từ sáng mai 19/9, khu vực ven biển Quảng Bình - Quảng Nam có gió mạnh cấp 5-6. Từ trưa mai, khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió cấp 6-7, gần tâm bão lên cấp 8, giật cấp 10, sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7. Đặc biệt, mưa lớn sẽ tập trung trong hai ngày 18 và 19-9 ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, với tổng lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 600 mm.
Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh có mưa 150-300 mm, có nơi trên 500 mm. Tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: PLO
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa 40-80 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt đô thị ở các tỉnh phía Nam, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên. Vùng trũng, thấp, khu đô thị ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nguy cơ bị ngập lụt và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực này.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) sẽ chịu tác động của tổ hợp triều cao, nước dâng do bão và sóng lớn nên nguy cơ ngập ở vùng trũng, thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu, thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản và sạt lở bờ biển, nhất là vào thời điểm nửa đêm và trưa 19/9.
“Lưu ý khả năng xuất hiện sóng lừng, lan truyền vào bờ biển Trung Bộ từ chiều hôm nay, sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tàu thuyền và nuôi trồng thuỷ sản”, Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Khiêm cảnh báo.