Hai quan chức Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đang lắp đặt một mạng lưới cáp quang tại biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Theo Reuters, động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho tương lai, bất chấp việc hai nước đang có đàm phán cấp cao nhằm giải quyết tranh chấp trên tuyến biên giới ở khu vực Himalaya.
Những sợi cáp này sẽ cung cấp đường dây liên lạc bảo mật từ quân đội tiền phương đến các căn cứ hậu phương. Gần đây, những đường dây như vậy cũng được phát hiện ở phía Nam hồ Pangong Tso ở Ladakh, theo thông tin từ một quan chức chính phủ cấp cao của Ấn Độ.
Hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc được hỗ trợ bởi xe tăng và máy bay hiện diện trên một khu vực dài 70 km ở phía nam của hồ. Mỗi nước đều cáo buộc đối phương leo thang tình hình.
Hôm 14/9, một quan chức khác của Ấn Độ cho biết không có sự rút lui hoặc tiếp viện đáng kể nào với lực lượng của cả hai bên kể từ khi ngoại trưởng hai nước gặp nhau vào tuần trước. Vị quan chức này nói rằng: "Mọi chuyện vẫn căng thẳng như trước".
Một máy bay chiến đấu của Ấn Độ bay trên một dãy núi ở Leh, vùng Ladakh, ngày 14/9/2020. Ảnh: Reuters. |
"Quan ngại lớn nhất của chúng tôi là họ lắp đặt cáp quang để liên lạc tốc độ cao", một quan chức nói, đề cập đến phía Nam của hồ Pangong Tso, nơi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc chỉ cách nhau vài trăm mét ở một số điểm.
"Họ đã tiến hành lắp đặt cáp quang ở bờ nam với tốc độ chóng mặt", vị quan chức cho biết.
Các cơ quan tình báo Ấn Độ ghi nhận sự xuất hiện của những dây cáp tương tự ở phía Bắc hồ Pangong Tso khoảng một tháng trước. Giới chức được cảnh báo về việc này sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều đường bất thường trên cát xuất hiện ở sa mạc trên cao phía nam hồ Pangong Tso.
Những đường kỳ lạ này được chuyên gia Ấn Độ và các cơ quan tình báo nước ngoài cho là dây cáp liên lạc đặt trong các hào nhỏ, bao gồm cả ở thung lũng hẹp Spanggur, giữa các điểm mà lần đầu tiên trong hàng thập kỷ đã có những tiếng súng chỉ thiên vang lên hôm 8/9.
Các quan chức Ấn Độ cho biết việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở lãnh thổ nước này cũng có khả năng khiến cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng. Trung Quốc không hài lòng về việc Ấn Độ xây dựng đường và sân bay gần biên giới tranh chấp đồng thời Bắc Kinh cho rằng điều đó gây ra căng thẳng dọc biên giới.
Bích Thảo (Theo Reuters)