Giới chuyên gia cho rằng SMART sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi săn ngầm tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu New Delhi có thể phát triển năng lực trinh sát.
Tên lửa chống ngầm SMART của Ấn Độ rời bệ phóng. Ảnh: DRDO. |
"Tên lửa Siêu thanh Hỗ trợ Thả Ngư lôi (SMART) bay thử thành công ngoài khơi bang Odisha lúc 11h45 ngày 5/10. Mọi yêu cầu thử nghiệm gồm tầm bay và độ cao, quy trình tách vỏ mũi, thả ngư lôi và kích hoạt cơ chế giảm tốc đều được thực hiện hoàn hảo, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết trong một tweet trên Twitter: “Đây sẽ là một bước đột phá công nghệ lớn đối với khả năng ứng phó trong chiến tranh chống tàu ngầm”.
Tên lửa siêu thanh được khai hỏa từ một xe phóng di động trên đảo Wheeler thuộc vịnh Bengal. Tên lửa mang một ngư lôi chạy pin với một đầu đạn nặng khoảng 50 kg. Sử dụng tên lửa để mang ngư lôi đã mở rộng phạm vi tác chiến lên đến 643 km, với tốc độ phóng gấp ba lần tốc độ của âm thanh.
Tên lửa sử dụng đầu đạn là ngư lôi thực tế không mới. Nga và Mỹ đều sở hữu loại tên lửa này. Nhưng Ấn Độ đã đưa loại vũ khí này lên tầm cao mới bằng tên lửa siêu thanh, tầm bắn và tốc độ đều vượt trội hơn hẳn.
Điểm khác biệt của SMART với những hệ thống này là tầm bắn ước tính đến 650 km, so với 30 km của rocket Nhật hay 22 km của VL-ASROC Mỹ. Tên lửa RPK-6 của Nga có tầm bắn xa hơn khí tài Nhật và Mỹ, nhưng cũng chỉ có thể bắn tới khu vực ở khoảng cách 100 km.
Giới chuyên gia cho rằng SMART sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi săn ngầm tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu New Delhi có thể phát triển năng lực trinh sát, chống ngầm và hiệp đồng tác chiến thống nhất. Các chiến hạm, trực thăng và máy bay săn ngầm có thể phối hợp truy dấu tàu ngầm đối phương, sau đó chuyển tham số mục tiêu cho tàu chiến mang tên lửa SMART phóng đạn.
Ở khoảng cách 650km, tên lửa SMART cũng được coi là công cụ răn đe hiệu quả nếu các tàu ngầm đối phương áp sát gần bờ.
Năng lực này được đánh giá khá quan trọng, đặc biệt ở thời điểm Trung Quốc mở rộng hiện diện tại Ấn Độ Dương. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã hình thành hạm đội hiện đại với 60 tàu ngầm. Quân đội Trung Quốc còn thành lập căn cứ quân sự ở hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, tạo điều kiện tiếp cận Ấn Độ Dương.
Ấn Độ và Trung Quốc trong những tháng gần đây đã xảy ra một loạt xung đột đẫm máu do tranh chấp dọc đường biên trên dãy Himalaya từ đầu năm nay.
Mộc Miên (T/h)