Chính quyền New Delhi lần đầu tiên lên kế hoạch tạo mưa để cố gắng cải thiện chất lượng không khí ở thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, vốn đang bị sương mù bao phủ suốt một tuần qua.
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ. Ảnh sưu tầm
Theo ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường thủ đô New Delhi, ngày 8/11 cho biết chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng 11 nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.
Trong cuộc họp mới đây, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur (IIT Kanpur) đã khẳng định với ông Rai rằng việc tạo mây chỉ có thể thực hiện được nếu có mây hoặc hơi ẩm trong khí quyển.
Các chuyên gia dự báo những tình huống như vậy có thể xuất hiện vào khoảng ngày 20-21/11.
Ấn Độ đóng cửa trường học do ô nhiễm không khí. Ảnh sưu tầm
Theo ông Rai, đề xuất do các chuyên gia đưa ra về biện pháp gây mưa nhân tạo sẽ được trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ trong ngày 10/11.
Ông bày tỏ tin tưởng “với những điều kiện mà chúng tôi có và nếu nhận được sự ủng hộ từ mọi người, ít nhất, chúng tôi có thể thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.”
New Delhi đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo bảng theo dõi của tập đoàn IQAir. Chỉ số chất lượng không khí của thành phố trong ngày 5/11 là 471, thuộc nhóm "độc hại". Thành phố đứng thứ hai trong danh sách này là Lahore của Pakistan (AQI 261) được xếp vào nhóm “rất có hại”.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm đã kéo dài nhiều ngày qua tại Delhi dẫn đến việc chuyển học sinh cấp học từ lớp 6 đến lớp 12 được phép chọn sang hình thức học trực tuyến, ngừng hoạt động xây dựng và tuyên bố sẽ áp đặt các quy định hạn chế đối với phương tiện giao thông.
Nguyễn Linh (T/h)