Hiện nay, các công ty thường đưa ra tiêu chí môi trường làm việc thoải mái, dễ chịu để nhân viên không bị áp lực với công việc. Vì thế, ngoài tuân thủ những quy định của công ty đề ra, nhân viên được tự do làm những việc mình thích. Việc mang đồ ăn nhâm nhi trong giờ làm việc vì thế không bị cấm đoán.
Khi bước vào một văn phòng, người ta không thấy lạ khi thấy sự xuất hiện của những hộp ô mai hay gói khoai, mít sấy trên bàn của một nữ nhân viên hay những gói kẹo lạc, ngô cay trên bàn của một nam nhân viên.
Đâu đó là hình ảnh một nhân viên miệng nhấm nháp thức ăn, còn tay thoăn thoắt đánh máy. Bỗng chốc, thói quen ăn vặt “vô tội vạ”, không có giờ giấc của nhân viên nhanh chóng biến thành một cái chợ ngay trong công ty. Nhân viên cả nam lẫn nữ đều dự trữ cho mình đủ loại lương thực ăn nhanh để giải tỏa lúc “buồn miệng”.
Khi bàn về chuyện ăn vặt nơi công sở, không ít nhân viên cho rằng, đây chỉ là cái thú giúp họ giảm bớt nhàm chán và căng thẳng khi làm việc. Thực chất, ăn uống đối với họ không quan trọng. Không hẳn ai cũng nhận thức được ý nghĩa và mục đích của việc ăn vặt. Một số người thiếu ý thức, biến thói quen dân dã thành một việc làm thái quá, ảnh hưởng văn hóa chung của cả doanh nghiệp.
Đình Huệ (Quảng Ninh) chia sẻ ấn tượng về cô bạn đồng nghiệp cùng phòng có sở thích ăn vặt “có một không hai”. Phòng kinh doanh của Huệ có tất thảy 7 người và mình Hà là con gái. Hà luôn mặc định rằng “mình là một, là duy nhất” nên rất hay phách lối. Ngày nào đến chỗ làm, nàng ta cũng chuẩn bị chu đáo cho mình đủ những món ăn vặt. Trong giờ làm, Hà bỏ ra ăn tự nhiên, không mời chào ai.
Ăn uống lúc nào cũng phát ra những tiếng động thiếu tế nhị gây phiền cho người khác. Chưa hết, Hà còn là cô gái bừa bãi đến mất vệ sinh khiến mọi người trong phòng ai cũng phải lắc đầu ngao ngán. Nhiều lần, vì vội về mà Hà để lại cả một bãi chiến trường toàn vỏ hướng dương, vỏ kẹo khiến lũ kiến bâu đen đỏ trên bàn làm việc. Dù bị nhắc nhở nhiều lần, Hà vẫn chứng nào tật đó.
Ảnh: Internet. |
Cơ quan Ly là cơ quan hành chính nhà nước, nhân viên không bị bó buộc bởi những quy định khắt khe, không cấm ăn uống tại nơi làm việc. Công việc hàng ngày ít mà đông người, nên nhân viên chỉ làm túc tắc cho xong.
Vì thế, có nhiều thời gian rảnh rỗi, mọi người thường hay lạm dụng thời gian công để làm việc cá nhân. Đám đàn ông cà kê câu chuyện ở quán trà đá đầu hẻm, còn chị em mua đồ ăn vặt về công ty “vừa thưởng thức vừa chém gió”. Mỗi ngày một thực đơn khác nhau, mùa nào thức đó đủ cả.
Đồ ăn mua về ăn giữa giờ toàn là những loại thực phẩm gây mùi. Nhiều hôm, văn phòng công ty nồng nặc mùi mít chín hay mùi chè sầu riêng khó ngửi. Dù tắt điều hòa, các cánh cửa phòng được mở tung, mùi vẫn không bay hết.
Ly kể, có lần mấy chị em đang hí hửng gọt cam ăn, đột ngột cấp trên vào phòng. Lúng túng, mỗi người một tay nhanh chóng xử lý đống đồ ăn nhưng vỏ cam vẫn tỏa mùi… Cấp trên ngao ngán nhìn nhân viên, đám chị em đủ một phen khiếp vía và tự đúc rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Bên cạnh những tồn tại đang diễn ra, ở một số nơi khác, việc ăn vặt đã được nâng lên thành nét văn hóa. Thanh Hằng (nhân viên công ty truyền thông tại Hà Nội) cho biết, mặc dù đã làm ở nhiều nơi nhưng Hằng vẫn thích công ty hiện tại nhất. Nơi đây, mọi người ý thức trong từng việc làm và cách ứng xử.
Ngay chuyện ăn vặt – tưởng chừng là thói cần bài trừ nơi công sở, công ty của cô không hề cấm. Ngược lại, sếp cho nhân viên 20 phút giữa buổi giải lao ra ban công ăn uống để giải tỏa stress. Do đó, văn phòng công ty luôn luôn sạch sẽ, nhân viên giữ được tinh thần thoải mái làm việc. Về nguồn thực phẩm dĩ nhiên do các nhân viên tự cung tự cấp. Vì thế, sau mỗi kỳ lương, mọi người thường trích ra một khoản nhỏ xung quỹ để tiền mua đồ ăn vặt hàng ngày.
Thế nhưng không phải sếp nào cũng dễ dãi và đồng ý cho nhân viên mình vừa ăn vừa làm. Hiện nay nhiều công ty nghiêm ngặt trong việc cho nhân viên ăn uống trong giờ làm việc. Họ cho rằng, khi nhân viên tập trung vào ăn vặt họ sẽ xao nhãng với công việc dẫn đến hiệu suất kém.
Một số người quản lý khẳng định, việc để nhân viên nhấm nháp trong giờ làm việc là không đáng hoan nghênh, ngược lại ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của nhân viên, cũng như môi trường chung công sở.