Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không ký thỏa thuận tương tự Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung bởi 95% số tên lửa của nước này nằm trong mục cấm.
95% tên lửa Trung Quốc nằm trong mục cấm, nếu nước này ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh trong bài báo cáo "Đánh giá an ninh châu Á - Thái Bình Dương 2020" công bố hôm 5/6, cho biết "Trung Quốc sẽ không ký thỏa thuận tương tự Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm phát triển và biên chế tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km, vì phần lớn tên lửa của nước này nằm trong phạm vi cấm".
Bài báo cáo có tiêu đề "Sự kết thúc của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung: Ý nghĩa đối với châu Á"; đây là một trong những báo cáo đánh giá an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàng năm, bao gồm các chủ đề an ninh khu vực như quan hệ Trung-Mỹ, chính sách của Triều Tiên và Nhật Bản.
Bắc Kinh hiện có hơn 2.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, mang lại lợi thế cạnh tranh chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ sở hữu 90 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đủ khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, các chuyên gia IISS cho hay.
"Cách tốt nhất để tránh kết cục xấu là áp dụng cách tiếp cận rộng hơn với vấn đề kiểm soát vũ khí trong khu vực, trong đó Mỹ nên nhượng bộ thêm các điều khoản ngoài triển khai tên lửa mặt đất, còn Trung Quốc thể hiện sẵn sàng tham gia các cơ chế kiểm soát vũ khí cấp chiến lược và khu vực", báo cáo của IISS có đoạn viết.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký vào năm 1987, cấm tất cả các hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất trong khoảng cự ly từ 500-5.500 km. Sau khi INF được ký kết, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy rất nhiều loại tên lửa tầm trung, cứu thế giới khỏi cuộc chạy đua vũ trang vào thập niên 1980.
Tuy nhiên sau 20 năm tham gia, chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa qua đã quyết định rút khỏi hiệp ước hồi năm ngoái sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay gần 5.000 km. Trong khi đó, Moskva cho rằng Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.
Báo cáo của IISS cho thấy, việc cáo buộc Nga vi phạm chỉ là cái cớ giúp Mỹ rút khỏi INF; nguyên nhân sâu xa đó là việc Trung Quốc trong thời gian qua đã âm thầm phát triển hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung, mà không bị bất kỳ thỏa thuận nào ràng buộc; đây là sự vô lý cần phải xóa bỏ.
Ông Trump hồi năm ngoái tỏ ý muốn đưa Trung Quốc vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới, khẳng định thỏa thuận có sự tham gia của Nga và Trung Quốc sẽ là "điều tuyệt vời với thế giới". Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng này.
Hoa Vũ (T/h)