Theo số liệu mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 10 người trên hành tinh lại có 9 người hít thở không khí có nồng độ ô nhiễm cao.
Những người thực hiện lấy mẫu không khí tại 3.000 địa điểm trên khắp thế giới và sau khi đo đạc, kết luận rằng "92% dân số thế giới phải hít thở loại không khí không đạt chuẩn của WHO". Số liệu cũng cho thấy khu vực Đông Nam Á và bờ tây Thái Bình Dương trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia... là những quốc gia bị ô nhiễm nhất.
Một trong những mặt tệ hại nhất của không khí ô nhiễm đó là các phân tử nhỏ hơn 2,5 micrometre - gọi tắt là PM2,5 - vì chúng có thể đi vào phổi và hệ tuần hoàn. Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2,5 được cho là dưới tiêu chuẩn.
Một cậu học sinh Nigeria đứng giữa đường khói bụi mù mịt. Ảnh: CNN. |
Báo cáo cũng cho biết ô nhiễm xảy ra trầm trọng ở những thành phố lớn trong khi chất lượng không khí ở khu vực nông thôn tồi tệ hơn nhiều người lầm tưởng. Đồng thời, chất lượng không khí ở những nước nghèo dơ hơn so với những nước phát triển.
Maria Neira, Trưởng phòng môi trường và sức khỏe cộng đồng của WHO, nói: "Số liệu mới nhất khiến tất cả chúng ta phải đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề cấp thiết. Ô nhiễm xảy ra ở tất cả mọi nước trên thế giới và ảnh hưởng tới mọi thành phần xã hội. Những hành động nhanh nhất để chống ô nhiễm cũng mất một thời gian để phát huy tác dụng".
WHO cũng cho biết hằng năm có khoảng 6 triệu cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu từ những quốc gia nghèo hay có thu nhập trung bình.
Trong số này, ô nhiễm không khí ngoài trời giết hơn 3 triệu người, và phần còn lại do ô nhiễm không khí trong nhà. Ô nhiễm không khí trong nhà được gây ra chủ yếu ở những nước còn sử dụng than đá để nấu ăn.
Một nguồn ô nhiễm không khí khác, vấn đề chủ yếu tại các khu vực đang phát triển, là ô nhiễm trong nhà. Theo WHO, hơn 40% dân số thế giới không được tiếp cận với việc dùng nhiên liệu sạch để nấu ăn và thắp sáng. Họ sử dụng gỗ, phân khô hoặc than để nấu nướng và sưởi ấm, tạo ra bụi không khí trong nhà. Những cải tiến trong công nghệ năng lượng không bắt kịp tăng trưởng dân số, là nguyên nhân của 3,4 triệu ca tử vong do ô nhiễm trong nhà năm 2016, với đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.
Các chuyên gia gợi ý nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí tại địa phương, như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng, thay vì lái xe. Ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên cao. Lắp thiết bị lọc khí trong nhà cũng giúp giảm ô nhiễm.
GIA BẢO (t/h)