Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

6 tháng xung đột Ukraine: Moscow và Kyiv đã hứng chịu những tổn thất gì?

(DS&PL) -

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài được 6 tháng, gây ra những tổn thất lớn với cả Moscow và Kyiv.

Tổn thất của Ukraine 

Cao uỷ nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ngày 22/8 (giờ địa phương) cho biết, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, khoảng 5.587 người dân bình thường được báo cáo đã thiệt mạng và 7.890 người bị thương. Tuy nhiên, cơ quan của Liên hợp quốc lưu ý con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

OHCHR nói thêm, hầu hết những người thiệt mạng hoặc bị thương đều là nạn nhân của các loại vũ khí gây nổ như pháo binh, tên lửa và các cuộc không kích.

Trong khi đó, người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, cùng ngày thông tin rằng gần 9.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Đây là lần đầu tiên lực lượng quân sự cung cấp con số thiệt hại về nhân lực của Ukraine. Tuy nhiên, ông không nêu thông tin chi tiết về vấn đề này.

Ukraine đã hứng chịu thiệt hại nặng nề cả về người và của trong 6 tháng xung đột. Ảnh: EPA 

Xung đột ở miền Đông Ukraine đã bắt đầu từ năm 2014 sau khi chính phủ thân Nga bị lật đổ và Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Trong đó, phe ly khai đã đối đầu và thường xảy ra các cuộc đụng độ với chính phủ. 

OHCHR báo cáo, tính từ năm 2014 đến cuối năm 2021, khoảng 14.000 người đã thiệt mạng ở miền Đông Ukraine, trong các cuộc giao tranh giữa phe ly khai và chính phủ. Con số này bao gồm 3.106 người dân.

Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc cho biết kể từ ngày 24/2, khoảng 1/3 người Ukraine đã buộc phải rời khỏi nơi ở để đi tị nạn, dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên thế giới hiện nay. Hiện có hơn 6,6 triệu người tị nạn từ Ukraine đang sinh sống ở các quốc gia trên khắp châu Âu, đông nhất là ở Ba Lan, Nga và Đức.

Theo ước tính của Reuters, bên cạnh thiệt hại về người, Ukraine hiện đã mất quyền kiểm soát khoảng 22% đất đai vào tay Nga kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014. Kyiv cũng mất một dải bờ biển, nền kinh tế của nước này bị tê liệt và một số thành phố bị tàn phá nghiêm trọng do các cuộc pháo kích của Nga. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế Ukraine sẽ giảm 45% vào năm 2022.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hồi tháng 7 từng ước tính rằng tổng số tiền cần cho việc tái thiết đất nước sau xung đột có thể lên tới 750 tỷ USD hoặc nhiều hơn. Hiên chưa rõ Ukraine đã chi bao nhiêu tiền cho các hoạt động quân sự kể từ khi chiến sự nổ ra.

Thiệt hại của Nga

Không chỉ Ukraine, Nga cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong đó, nước này cũng đã chi một số tiền không nhỏ cho hoạt động quân sự, tuy nhiên họ chưa từng tiết lộ con số cụ thể bởi vây vốn là bí mật quốc gia.

Bên cạnh chi phí quân sự, phương Tây còn cố gắng trừng phạt Moscow bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc - cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Ngân hàng trung ương của Nga hiện dự báo rằng nền kinh tế 1,8 nghìn tỷ USD sẽ giảm 4-6% vào năm 2022, ít hơn mức dự báo giảm 8-10% mà họ từng đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. 

Cơ sở hạ tầng tại Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề trong các cuộc pháo kích. Ảnh: AP 

Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế Nga vẫn còn có những tác động nghiêm trọng và chưa hoàn toàn rõ ràng. Nga đã bị loại khỏi các thị trường tài chính phương Tây, hầu hết các nhà tài phiệt của nước này đều bị trừng phạt và họ đang gặp vấn đề trong việc tìm nguồn cung ứng một số mặt hàng như vi mạch.

Bên cạnh đó, phía Nga hiện chưa tiết lộ con số thương vong mà lực lượng của họ phải hứng chịu trong các cuộc xung đột. Nhưng tình báo Mỹ ước tính đến thời điểm hiện tạ, khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine. Trong khi đó, số người bị thương được cho là cao gấp 3 lần số thiệt mạng.

Thế giới không nằm ngoài tầm ảnh hưởng

Chiến dịch quân sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến giá phân bón, lúa mì, kim loại và năng lượng tăng mạnh, dẫn đến cả cuộc khủng hoảng lương thực và làn sóng lạm phát quét qua nền kinh tế toàn cầu.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê-út và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, lúa mì, phân đạm lớn nhất thế giới. Ngay sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, giá dầu quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm dầu của Nga đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đã trong tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào những năm 1970.

Sau khi Nga cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tới Đức, giá khí đốt bán buôn đã tăng vọt ở châu Âu.

Theo Goldman Sachs, việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga sẽ đẩy khu vực đồng euro vào một cuộc suy thoái, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất có thể là Đức và Italy.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm từ mức 6,1% năm ngoái và thấp hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng 4 là 3,6%/ 

Theo một kịch bản thay thế "hợp lý" bao gồm việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào cuối năm và xuất khẩu dầu của Nga giảm thêm 30%, IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,6% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023, với mức tăng trưởng gần như bằng không ở Châu Âu và Mỹ vào năm tới.

Minh Hạnh (Theo EURACTIV) 

Tin nổi bật