Thiếu tự tin
Khi đối diện với nhà tuyển dụng, dù là tham gia ứng tuyển nhân viên online hay làm việc tại văn phòng, bạn cảm thấy hầu như nguồn năng lượng thường ngày biến mất, chỉ còn nỗi lo lắng, rụt rè. Bạn trả lời các câu hỏi lí nhí, lắp bắp, thiếu ý quan trọng. Nguyên nhân là do sự thiếu tự tin và chưa làm chủ được cảm xúc của bạn.
Thái độ này không những “dìm” bạn mà còn bị đánh giá thấp. Bạn làm cho nhà tuyển dụng phân vân về năng lực và các kỹ năng trong công việc của bạn, và tất nhiên họ sẽ không dám đặt niềm tin ở một ứng viên thiếu tự tin.
Để khắc phục điều này, bạn cần học cách tự “chiến thắng” bản thân, suy nghĩ tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để bước vào vòng phỏng vấn thật tự tin, tràn đầy năng lượng.
Quá tự tin thành kiêu ngạo
Trái ngược với tự ti là tự tin. Tự tin vừa là thái độ vừa là tính cách rất tốt, giúp bạn tạo được dấu ấn với người khác và dễ thành công hơn. Tuy nhiên, tự tin khác biệt với tự tin thái quá nên ứng viên cần lưu ý điều này để tạo sự cân bằng.
Sự kiêu ngạo thể hiện ở việc bạn quá khoe khoang thành tích trong quá khứ, cho rằng mình giỏi nhất, tuyệt vời nhất và xứng đáng được hưởng những thành quả tốt đẹp như thăng tiến vị trí, mức lương cao… Tuy nhiên thái độ này sẽ đánh mất thiện cảm từ nhà tuyển dụng ngay trong vòng phỏng vấn. Bởi lẽ dù bạn thật sự xuất sắc nhưng khiêm tốn học hỏi và thành thật nhận ra những điểm hạn chế của bản thân để hoàn thiện mới là người giỏi thực sự.
Thái độ tiêu cực
Bạn đang tham dự một cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng, vậy điều nên làm là tạo được ấn tượng về bản thân là người vui vẻ, tích cực thay vì thể hiện sự tiêu cực. Thái độ tiêu cực chính là “mầm mống” giết chết sự sáng tạo và nguồn năng lượng trong công việc cho chính bạn và cả đồng đội.
Thái độ tiêu cực thể hiện qua việc bạn phàn nàn về công ty cũ, đồng nghiệp cũ, sếp cũ. Bạn nói về những khó khăn và cho rằng chính những điều đó cản trở sự thành công của bạn. Bạn nói về phương thức quản lí quá vi mô của sếp cũ, về mâu thuẫn với những người đồng nghiệp vì họ lười biếng và ỷ lại chẳng hạn… Tất cả những điều này không giúp bạn ghi điểm hay giúp buổi phỏng vấn thành công mà ngược lại khiến nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có thái độ quá tiêu cực. Tất nhiên khả năng cao là bạn sẽ bị loại.
Hời hợt, dửng dưng
Một ứng viên đến tham dự phỏng vấn với thái độ hời hợt dửng dưng chắc chắn sẽ bị mất điểm. Thái độ này thể hiện qua việc bạn thiếu sự quan sát, thiếu lòng nhiệt thành hay hành động trợ giúp kịp thời.
Chẳng hạn sự dửng dưng thể hiện ở một tình huống: Một ứng viên nam trong khi ngồi chờ đến lượt, anh ta thấy bác bảo vệ và một vài nhân viên khác đang khiêng một chiếc bàn nặng từ cổng lên văn phòng. Anh ta vẫn ngồi im xem như đó không phải là việc của mình. Tất nhiên tại thời điểm đó không phải là việc của anh ta nhưng cuối cùng vẫn bị loại vì thái độ dửng dưng thiếu nhiệt thành.
Thay vào đó, nếu tinh ý bạn có thể chạy lại giúp một tay. Tuy là hành động nhỏ nhưng cũng thể hiện được thái độ tốt sẵn sàng trợ giúp người khác khi cần thiết.
Suồng sã, thiếu nghiêm túc
Nếu một ứng viên coi trọng cơ hội công việc này, họ đến buổi phỏng vấn với thái độ nghiêm túc và sự chuẩn bị chu đáo.
Ngược lại sự thiếu nghiêm túc được thể hiện ở việc bạn đến trễ giờ (hoặc gặp sự cố đến trễ nhưng không gọi điện báo trước), để chuông điện thoại hoặc báo thức trong khi đang phỏng vấn, trang phục không lịch sự, ngoại hình không tươm tất…
Ngoài ra biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc còn thể hiện qua hành vi cười đùa quá thân thiết (với người phỏng vấn và với các ứng viên khác), nói to, gác chân, ngả lưng, chống cằm… khi đang trong buổi phỏng vấn. Nếu muốn buổi phỏng vấn thành công tốt đẹp, nhất thiết bạn nên tránh mắc những sai lầm này.
Đặng Hảo