Thí sinh "xoay sở" với hàng chục nguyện vọng
Đến trước 17h ngày 28/7, thí sinh hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng đại học cao đẳng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Thời gian còn lại không nhiều nhưng vẫn còn những trường hợp thí sinh đang băn khoăn giữa việc chọn ngành học.
Chia sẻ trên báo Lao động, em Phùng Hà Linh - thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội - cho biết, thời gian qua em thường xuyên trằn trọc mất ngủ vì suy nghĩ về cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho đúng, không lỡ mất cơ hội vào đại học.
Nữ sinh cho rằng, việc chọn ngành đã khó, đặt nguyện vọng còn khó gấp bội. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, em có thể mất cơ hội vào trường phù hợp hoặc rơi vào tình huống phải học ngành không thực sự yêu thích.
Sự băn khoăn của Linh cũng là tâm lý chung của nhiều sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm nay.
Em Nguyễn Hà, học sinh tại Hà Tĩnh, vẫn đang loay hoay với hơn 20 nguyện vọng, chưa biết nên chọn, nên bỏ phương án nào.
Đạt 24 điểm khối A01 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa qua, Hà dự định dùng số điểm này để đăng ký vào các ngành liên quan kinh tế tại các trường đại học ở Hà Nội. Dù không có đam mê với kinh tế, Hà vẫn định theo vì thấy đây là ngành "hot" trong những năm qua, báo cáo về đầu ra việc làm cũng nổi bật.
Thí sinh "xoay sở" với hàng chục nguyện vọng. Ảnh minh họa: Báo Lao động.
Tuy nhiên, dù đã liệt kê hơn 20 nguyện vọng, nữ sinh vẫn sợ khó đậu đại học vì thấy điểm của mình không quá cao. Nếu so với điểm chuẩn đại học năm 2024, Hà dự đoán bản thân có thể trượt những nguyện vọng đầu.
Bản thân em cũng thường đặt câu hỏi liệu các trường đại học có giảm điểm chuẩn hay không. Nếu có, trường sẽ giảm điểm chuẩn sâu đến mức nào, cơ hội đậu với mức điểm 24 là bao nhiêu.
Chính vì lo lắng về phần điểm chuẩn, Hà vẫn cứ đắn đo chuyện xếp nguyện vọng. 17h ngày 28/7 là thời hạn cuối cùng để điền nguyện vọng, nữ sinh vẫn không ngừng cân đo đong đếm vì sợ chỉ cần tính sai một bước là có thể mất cơ hội vào đại học.
Theo báo Thanh niên, em Trần Hoàng Tiến, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Văn Trị (Vĩnh Long), cũng đã rất phân vân khi đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi. “Em cảm thấy áp lực và phân vân nhiều, nếu chọn ngành em yêu thích, em sợ sẽ không đủ điểm để đậu, còn nếu chọn ngành em không thích, em sợ bản thân sẽ khó thích nghi”, Tiến tâm sự.
Nguyện vọng của Tiến là được vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng với số điểm hiện tại của bản thân, nếu Tiến chọn ngành tâm lý học thì sẽ dễ đậu hơn.
Thận trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Về thứ tự đăng ký nguyện vọng, chia sẻ trên Tạp chí Tri thức, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công thương TP.HCM khuyên thí sinh nên đăng ký theo đúng sở thích. Các thí sinh nên ưu tiên nguyện vọng đầu cho trường top nếu thực sự yêu thích và đủ năng lực, sau đó mới đến các trường vừa sức, rồi cuối cùng là một số lựa chọn an toàn hơn.
Một yếu tố khác khi chọn ngành mà ThS Phạm Thái Sơn khuyên thí sinh cần lưu tâm là việc lựa chọn các ngành học có nội dung đào tạo tương đồng trong cùng một khoa hoặc tổ bộ môn.
Ông nói rằng nhiều ngành học có đến 60-70% kiến thức giống nhau. Nếu không đủ điểm vào ngành A, thí sinh có thể chọn ngành B có điểm thấp hơn nhưng chương trình học vẫn gần giống. Sau này, các em có thể bổ sung thêm một số học phần chuyên sâu để đạt mục tiêu ban đầu
. Các thí sinh nên ưu tiên nguyện vọng đầu cho trường top nếu thực sự yêu thích và đủ năng lực, sau đó mới đến các trường vừa sức.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Huỳnh Giao, giảng viên khoa Truyền thông sáng tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng: “Khi đăng ký nguyện vọng, học sinh nên ưu tiên đam mê, nhưng bên cạnh đó, các em cũng cần cân nhắc tính thực tế. Nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp. Đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng cao và cũng nên có những nguyện vọng 'an toàn' dự phòng”.
Bên cạnh đó, cô Huỳnh Giao cũng chia sẻ thêm về những yếu tố giúp học sinh có thể đưa ra lựa chọn ngành học tốt nhất cho bản thân. Theo cô, yếu tố quan trọng nhất khi chọn ngành học là sự phù hợp, đó là sự giao thoa giữa đam mê, năng lực và triển vọng nghề nghiệp.
Theo chuyên gia này, thí sinh cần xác định mình thích gì, giỏi gì và ngành học có cơ hội việc làm tốt không, việc đưa ra ngành học sau khi cân nhắc cả 3 yếu tố này sẽ giúp các thí sinh đưa ra lựa chọn sáng suốt, tránh chạy theo xu hướng hoặc áp lực gia đình khi lựa chọn ngành học trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học - cao đẳng.