Theo Times of India, sau khi bị nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng sẽ bắt đầu giảm sau 15 ngày đầu tiên.
Riêng trường hợp nhiễm trùng nặng, người bệnh có thể phải đối mặt với các triệu chứng trong vài tuần hoặc cần nhập viện điều trị. Tình trạng này chủ yếu xảy ra với các bệnh nhân có tải lượng virus cao và có bệnh nền.
Bất kỳ dấu hiệu nào của COVID-19 xuất hiện 90 ngày sau khi bệnh nhân có kết quả âm tính được gọi là hội chứng COVID-19 kéo dài. Người bệnh có thể gặp phải một loạt các triệu chứng, trong đó có rụng tóc, mệt mỏi và đau cơ.
Bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng hậu COVID-19. Ảnh minh họa
Hai triệu chứng phổ biến của hậu COVID-19
Khi tiếp tục mở rộng nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với cơ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện có 2 triệu chứng xuất hiện ở 70% trường hợp mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
Cụ thể, một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge chỉ ra, các vấn đề về trí nhớ và thiếu tập trung là hai triệu chứng phổ biến được phát hiện ở khoảng 70% các ca mắc COVID-19 kéo dài. Nghiên cứu chi tiết cho thấy cứ 10 bệnh nhân COVID-19 thì có một người gặp một số vấn đề về thần kinh khác nhau sau khi khỏi bệnh.
Những người gặp phải hai triệu chứng trên thường phải vật lộn để hoàn thành các bài kiểm tra nhận thức. 75% những người bị các vấn đề về thần kinh sau khi mắc COVID-19 cho biết họ khó tập trung vào công việc. Các dấu hiệu này kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi mắc bệnh.
Các dấu hiệu khác của hậu COVID-19
Một số dấu hiệu khác của hậu COVID-19 bao gồm cảm giác ngứa ran trên da, mệt mỏi, khó thở, ho, đau khớp, tức ngực, mất ngủ, đau cơ hoặc đau đầu, nhịp tim nhanh hoặc đập thình thịch, trầm cảm, lo lắng, sốt, chóng mặt khi đứng lên. Bệnh nhân có thể gặp tất cả các triệu chứng nói trên hoặc chỉ phải đối phó với 1-2 dấu hiệu.
Bệnh nhân cần làm gì?
Virus SARS-CoV-2 và các biến thể ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể theo nhiều cách. Virus nhân lên trong hệ thống hô hấp và ảnh hưởng chủ yếu tới phổi nhưng cũng có thể di chuyển tới các cơ quan khác và gây tổn thương.
Người bệnh cần cẩn thận theo dõi tình hình sức khỏe ngay khi các triệu chứng ban đầu xuất hiện. Nếu nhận thấy bất cứu dấu hiệu nào của COVID-19 kéo dài, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ và có biện pháp điều trị thích hợp. Trong một số trường hợp, COVID-19 kéo dài có thể gây đông máu, suy các cơ quan, trầm cảm và mất ngủ.
Đinh Kim (Theo Times of India)