Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hà Nội

(DS&PL) -

Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021.

Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua, Hà Nội đã tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với thành phố Hà Nội vào sáng 19/7 - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Theo ông Dũng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bước đầu, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa chủ động phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang chủ động tấn công; tổ chức thực hiện tốt việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly các ca nghi nhiễm và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm…

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, cùng với sự bùng phát dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tại địa bàn Hà Nội đã phát sinh một số ca mắc mới trong cộng đồng, gây rất khó khăn cho công tác phòng, chống đại dịch của thành phố.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; một số đề xuất, kiến nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của TP.Hà Nội.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội đã tổ chức tiêm được 210.868 mũi tiêm vaccine cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân tại các khu công nghiệp và các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, nguy cơ cao lây nhiễm và bùng phát dịch trong cộng đồng, Hà Nội đã khẩn trương ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND ngày 18/7/2021, theo đó, áp dụng ngay các biện pháp: yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu; Dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu…

Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, về tình hình kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm khởi sắc khá rõ nét so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, GRDP Quý II tăng trưởng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức tăng chung cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Duy trì không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 125.562 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán Trung ương giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ.

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021.

Cụ thể: Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng Quý III đạt 8,59%, Quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%.

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5-7,0%.

Song song với dự kiến kịch bản tăng trưởng, Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch.

Chủ tịch Hà Nội cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, thông qua 9 nội dung quan trọng để thủ đô nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", đảm bảo đời sống nhân dân.

Trong đó, đề nghị Thủ tướng cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025. Hỗ trợ TP thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỉ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.

Đối với đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu vốn thực hiện dự án với tổng đầu tư dự kiến khoảng 160.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50%, phần còn lại của tổng mức đầu tư dự án, áp dụng cơ chế PPP-BOT, bố trí khoảng 50%.

Đồng thời, cho phép Hà Nội chủ trì phối hợp bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai thực hiện ngay công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, chuẩn bị đầu tư dự án, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa 15 (tháng 10-2021).

Đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô bằng các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn vốn đối ứng của các địa phương, tập trung đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tính kết nối trên toàn tuyến.

Về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP bao gồm 9 tuyến. Trong đó có 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và 5 dự án đường sắt đô thị đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư…

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật