Theo SCMP, một vụ việc đáng chú ý đã xảy ra tại Thông Châu, Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, liên quan đến việc 2 bệnh viện và 1 phòng khám đã tiến hành 168 xét nghiệm thử thai đối với các ứng viên nữ xin việc tại 16 công ty khác nhau.
Các bệnh viện cho biết những ứng viên nữ không được thông báo trước về việc họ sẽ bị tiến hành xét nghiệm thai kỳ, thay vào đó chỉ nhận được cảnh báo bằng lời nói một cách mơ hồ.
Luật của Trung Quốc nghiêm cấm các công ty tiến hành xét nghiệm thai kỳ như một phần của bước kiểm tra sức khỏe trước khi tuyển dụng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lén thực hiện do lo ngại về chi phí phúc lợi thai sản phải trả. Ảnh minh họa
Các công tố viên cho biết theo hồ sơ tuyển dụng và bảo hiểm của các nhân viên nữ, họ đã được xét nghiệm để xem liệu có đang mang thai trước khi tuyển dụng không. Báo cáo cũng cho biết ít nhất một phụ nữ được phát hiện mang thai đã không được tuyển dụng.
Sau khi công ty nhận cảnh báo về hành vi sai trái, người phụ nữ này đã được tuyển vào công ty và nhận được tiền bồi thường.
"Chúng tôi có thể suy đoán từ bằng chứng này rằng các công ty đã yêu cầu phải xét nghiệm thai kỳ, và điều này là vi phạm quyền bình đẳng về cơ hội việc làm của phụ nữ", công tố viên cho biết.
Viện kiểm sát quận Thông Châu ở Nam Thông, thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, đã bắt đầu điều tra vụ việc sau khi nhận được thông tin vào đầu năm nay.
Truyền thông địa phương không nêu rõ 16 công ty này có chịu khoản phạt nào hay không. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có thể bị phạt tới 50.000 nhân dân tệ (gần 175 triệu đồng) vì phân biệt giới tính nếu họ không thay đổi hành vi.
Luật pháp Trung Quốc cấm các doanh nghiệp yêu cầu thử thai trong quá trình khám sức khỏe trước khi làm việc.
Các tỉnh thành của Trung Quốc có quy định khác nhau, nhưng những bà mẹ mới sinh con ở nước này được hưởng thời gian nghỉ thai sản lên tới sáu tháng.
Các hình thức phân biệt đối xử khác, như ưu tiên thuê nam giới hoặc tra hỏi hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân cũng là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều công ty bị nghi ngờ phân biệt đối xử với phụ nữ theo những cách ít rõ ràng hơn, bao gồm cả việc không trả lương đầy đủ khi phụ nữ nghỉ thai sản.