1. Bộ Tư pháp vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc về công tác tư pháp và pháp luật
Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Trước những cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
2. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển
Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ, ngành Tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, trong đó chú trọng vào lĩnh vực pháp luật về phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và một số lĩnh vực quan trọng khác.
Đặc biệt, ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 03 dự án luật sửa đổi, bổ sung 13 luật thuộc lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư từ chính kết quả rà soát văn bản QPPL do Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đến hiện tại, 63/63 Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Báo Chính phủ)
3. Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát triển
Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; được củng cố, kiện toàn, được quan tâm quy hoạch, bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương.
Trong đó đặc biệt là việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông qua chức danh pháp chế viên tại các tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.
Tại Thông báo kết luận số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời yêu cầu các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.
Những bước phát triển mới trong công tác cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp chính là tiền đề quan trọng, khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm đối với vai trò và đóng góp của cán bộ Tư pháp.
4. Bộ Tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ (Par-index)
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 17/4/2024, Chỉ số Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trở lại xếp thứ 01/17 bộ. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp bộ. Kết quả trên là sự ghi nhận cho nỗ lực của Bộ trong việc đẩy mạnh đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, từ ngày 01/10/2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VNeID, chấm dứt việc người dân phải xếp hàng, chờ đợi để lấy Phiếu lý lịch tư pháp.
5. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay
Năm 2024, công tác thi hành án dân sự tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi số việc và số tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao (tăng 71.511 việc, tương ứng với 11,23% và trên 80.188 tỷ đồng, tương ứng với 48,51% về tiền), tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có số tiền và số người được thi hành án đặc biệt lớn.
Nhưng kết quả thi hành án tăng đều trên tất cả các phương diện với tổng số thi hành hơn 1 triệu việc (trong đó số có điều kiện thi hành hơn 739.000 việc, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 620.000 việc đạt tỷ lệ gần 84%, thu, xử lý hơn 116.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ gần 52%; thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng hơn 30.544 tỷ đồng; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 22.177 tỷ đồng; cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định hành chính, tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).
6. Tổ chức thành công Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024
Diễn đàn được tổ chức vào ngày 09/10/2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút hơn 3.700 người tham dự.
Ngay sau Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong thời gian tới.
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh - là vụ án có số lượng bị hại thi hành án lên đến hơn 6.600 người.
7. Công bố Bộ pháp điển Việt Nam
Ngày 05/11/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển và là thành quả, sự quyết tâm, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và Bộ Tư pháp trong hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
Bộ Pháp điển gồm 45 chủ đề, với 271 đề mục, được tập hợp, sắp xếp, cập nhật chính xác, khoa học, kịp thời các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành theo các nhóm quan hệ xã hội, lĩnh vực và truyền tải trên phương tiện điện tử.
8. Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp trên ứng dụng VNeID toàn quốc
Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 656 về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới 30/6/2025.
Trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của TP.Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC ngày 20/9/2024. Đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân tích cực đón nhận.
9. Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng tăng cường xã hội hóa
Năm 2024, công tác xây dựng văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, theo đó, Bộ đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua 02 Luật, cụ thể như sau: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, là Luật có tỷ lệ số phiếu tán thành tuyệt đối và cao nhất từ trước đến nay của Bộ, ngành Tư pháp.
Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), với nhiều quy định mới như đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, Bộ Tư pháp rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật...
10. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc
Công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) đã từng bước được tổ chức, thực hiện dựa trên công nghệ số, dữ liệu số và đã đạt kết quả ở mức độ cao, nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Trong đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực này đã đạt mức toàn trình; tỷ lệ số hóa hồ sơ và áp dụng chữ ký số đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 100%; tỷ lệ yêu cầu và giải quyết đăng ký trực tuyến đạt 87%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn 100%; dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được đồng bộ, kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, với Hệ thống EMC, với Hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và đang từng bước được nghiên cứu để mở rộng việc kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực đăng ký tài sản, giao dịch khác, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước khác hoặc thuộc lĩnh vực tố tụng liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Năm 2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã được vinh danh ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.