Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Volker Perthes nói với các phóng viên rằng ít nhất 185 người đã thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra. Hai bên đang sử dụng xe tăng, pháo binh và các vũ khí hạng nặng khác trong các khu vực đông dân cư. Máy bay chiến đấu và hỏa lực phòng không liên tục thắp sáng bầu trời khi màn đêm buông xuống.
Giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở thủ đô Khartoum (Sudan). Ảnh: AFP
Tuy nhiên, số người thiệt mạng thực tế còn có thể cao hơn nhiều vì còn rất nhiều thi thể trên đường phố xung quanh trung tâm thủ đô Khartoum mà không ai có thể tiếp cận do giao tranh. Hiện các tổ chức vẫn không thể đưa ra thông tin chính thức về việc có bao nhiêu dân thường hoặc chiến binh đã thiệt mạng.
Một cư dân ở phía nam thành phố Khartoum cho biết đạn pháo đã khiến ít nhất ba người hàng xóm của bà thiệt mạng: "Tiếng súng và pháo kích ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể đưa họ đến bệnh viện hay chôn cất họ".
Ở trung tâm Khartoum, tiếng súng liên tục nổ ra và khói trắng bốc lên gần sở chỉ huy quân sự chính, một mặt trận lớn. Gần đó, ít nhất 88 sinh viên và nhân viên đã bị mắc kẹt trong thư viện của Đại học Khartoum kể từ khi bắt đầu giao tranh.
Một học sinh đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bên ngoài và một học sinh khác bị thương nhưng không ai có thể tiếp cận. Họ không có thức ăn hay nước uống, chỉ có một căn phòng đầy những người ngủ trên sàn nhà.
Các bệnh viện ở Khartoum đã rơi vào hỗn loạn do bạo lực bùng nổ. Tổ chức Bác sĩ Sudan cho biết trong tổng 20 bệnh viện ở thủ đô và thành phố lân cận Omdurman, 16 bệnh viện đã phải sơ tán khẩn cấp và ngừng hoạt động vì các cuộc tấn công hoặc mất điện.
Các bác sĩ cho biết những bệnh viện vẫn có thể hoạt động đều đang quá tải, thiếu nhân lực, cạn kiệt nguồn cung cấp và phải vật lộn với tình trạng cắt điện hoặc nước. Giao tranh bùng nổ bất ngờ khiến các bác sĩ, y tá và bệnh nhận đều bị mắc kẹt đồng thời các nhân viên tiếp tế khác cũng không thể tiếp cận những khu vực này.
“Tôi đã cố gắng nhiều lần trong hai ngày qua nhưng buộc phải trở về nhà vì các cuộc giao tranh” Tiến sĩ Sara Mohi chia sẻ khi không thể đến bệnh viện làm việc.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho hay nhiều bệnh viện ở Khartoum đã báo cáo tình trạng thiếu máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền tĩnh mạch, vật tư y tế và các mặt hàng cứu sinh khác.
Tiến sĩ Ossama al-Shazly, giám đốc Bệnh viện Quốc tế quận Bahri (phía Bắc Khartoum) thông qua mạng xã hội đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng cung cấp nhiên liệu để duy trì hoạt động của máy phát điện sau khi khu vực lân cận bị cắt điện.
Ông Ossama al-Shazly đồng thời cho biết thêm rằng nhiều bệnh nhân đang cần được phẫu thuật và nhiều người khác đang phải chăm sóc đặc biệt mà không có nơi nào để sơ tán họ đến.
Bạo lực bùng phát hôm 15/4 tại thủ đô Khartoum và trên khắp đất nước Sudan khi các lực lượng vũ trang trung thành với người lãnh đạo trên thực tế hiện tại của Sudan Abdulfatah al-Burhan và lực lượng quân dân RSF theo cựu lãnh chúa Mohamed Hamdan Dagalo đụng độ.
Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi cũng đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch. Tuy nhiên, cả hai bên đều không có bất kì động thái nào cho thấy họ sẵn sàng chấm dứt xung đột.
Phương Uyên