Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xuất khẩu lao động mòn mỏi chờ đợi "tín hiệu mới" thoát bão COVID-19

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành xuất khẩu lao động đang phải chật vật xoay xở để tồn tại và chờ "tín hiệu" mới.

Người lao động "ôm nợ" chờ xuất khẩu lao động

Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, anh Nguyễn Xuân Phúc (Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội anh đã xin bố mẹ được đi xuất khẩu lao động mong tìm cơ hội "đổi đời".

"Cuối năm 2019, gia đình tôi đã vay mượn ngân hàng gần 200 triệu đồng lấy tiền cho tôi đi học tiếng, sang Nhật làm việc. Tuy nhiên, mặc dù đã hoàn thành các kỳ thi và xin được tư cách lưu trú, nhưng do dịch bệnh phức tạp tôi vẫn chưa thể xuất cảnh sang Nhật Bản được", anh Phúc cho hay.

Hiện anh Phúc cũng như nhiều lao động Việt Nam dù đã đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài nhưng chưa thể xuất cảnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chưa thể đi xuất khẩu lao động, đồng nghĩa với việc anh Phúc và gia đình vẫn ôm món nợ gần 200 triệu đồng và hàng tháng phải trả lãi.

"Mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, để tôi có thể đi làm trả nợ, lo cho bố mẹ", anh Phúc chia sẻ.

Là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, Công ty CP phát triển dịch vụ C.E.O (trụ sở Hà Nội) cũng đang gặp tương đối nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Xuân Thảo, nhân viên Công ty CP phát triển dịch vụ C.E.O cho biết : "Hiện nay số học viên tồn đọng chờ xuất cảnh tương đối nhiều. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, số lượng lao động mới và xuất cảnh giảm đi khá nhiều so với trước khi dịch. Doanh thu trung bình hàng tháng của công ty giảm tầm 70-80%.".

Không những tình hình dịch bệnh trong nước mà tại thị trường đối tác Nhật Bản dịch bệnh của rất phức tạp, gây không ít khó khăn cho công ty.

"Dịch bệnh bùng phát khiến cho lượng học viên mới và xuất cảnh giảm nhiều, không đảm bảo được doanh số công việc, từ khi dịch bệnh bùng phát công ty đang thua lỗ khá nhiều và gặp khó khăn về tài chính duy trì bộ máy, vận hành công ty", anh Thảo cho hay.

Theo anh Thảo, thời gian qua không chỉ việc chọn lao động, đào tạo trong nước gặp khó khăn mà lao động hoàn thiện hồ sơ xong cũng không thể xuất cảnh do chính sách của nước tiếp nhận. Ngoài ra, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động cũng khiến lao động trúng tuyển không thể xuất cảnh.

Đợt dịch thứ 4 đang "hoành hành" khiến cho nhiều ngành nghề bị "tê liệt", đặc biệt thị trường xuất khẩu lao động cũng gần như "đóng băng". Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Quốc Huy (Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, trên địa bàn quận Cầu Giấy) cho biết, tình hình dịch bệnh khiến cho công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trong đợt dịch thứ 3, công ty đã phải cắt giảm 70% nhân sự. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, công ty anh đã phải đóng cửa từ tháng 6/2021.

"Tôi buộc phải cho nhân viên nghỉ, công ty ngưng hoạt động do nguồn tài chính bị kiệt quệ", anh Huy cho hay.

Quyết tâm đồng hành cùng người lao động

Anh Thảo cho biết thêm, trước những khó khăn mà ngành nghề đang gặp phải nói chung và tình hình công ty nói riêng, công ty đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho nhân viên và học viên. Nhưng các giải pháp chỉ mang tính cấp bách nhất thời không đạt hiệu quả cao như mong đợi.

"Về phía học viên đi mới công ty đã giảm chi phí xuất cảnh khá nhiều so với trước dịch, học viên đang chờ xuất cảnh được hỗ trợ tiền lãi gửi ngân hàng và chi tiêu sinh hoạt hàng tháng trong lúc chờ đợi bay ...", anh Thảo chia sẻ.

Cũng theo anh Thảo, trước những khó khăn hiện nay, yếu tố giúp công ty đứng vững là sự chia sẻ, đồng tâm hiệp lực của tất cả mọi thành viên. Cùng với đó là sự quyết tâm, nghị lực chống đỡ khó khăn của ban lãnh đạo công ty.

Theo đánh giá của anh Thảo, thời điểm hiện tại, thị trường xuất khẩu lao động chưa thể phục hồi nhanh được.

"Chỉ khi nào dịch bệnh được khống chế tốt và vắc xin được triển khai tiêm trên diện rộng cho người dân thì ngành xuất khẩu lao động mới có cơ hội phục hồi. Khi đã phục hồi thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo cú huých cho ngành phát triển nhanh", anh Thảo nhấn mạnh.

"Qua đây mong nhà nước sớm khống chế tốt dịch bệnh và có những chính sách hợp lý hỗ trợ tốt hơn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phục hồi phát triển.

Kính mong nhà nước, đặc biệt các cơ quan chuyên ngành có những giải pháp kết nối sớm lại sự hợp tác giữa 2 nước Nhật - Việt để đưa người lao động sang làm việc sớm nhất và an toàn nhất", anh Thảo cho biết thêm.

Trong khi đó, anh Huy chia sẻ: "Khi thị trường xuất khẩu lao động đang "đóng băng", chưa thể xuất cảnh được thì người lao động cần học tập, rèn luyện thật tốt vốn ngoại ngữ, nâng cao kỹ năng tay nghề để có thể tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi mạnh mẽ cách thức tư vấn, đào tạo để có một nguồn lao động "chất lượng", mang lại giá trị dài hạn hơn".

Anh Huy cũng mong muốn nhà nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, đồng thời khi dịch bệnh đã kiểm soát thì có những cơ chế hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để các đơn vị có thể phục hồi kinh doanh.

Nhìn chung, với vị thế là quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn trong giai đoạn gửi lao động tay nghề thấp ra nước ngoài và tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Hoạt động xuất khẩu lao động đã đem lại nhiều cơ hội việc làm tốt cho lao động Việt Nam, từ đó có đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực này, pháp luật Việt Nam đã quy định khá chặt chẽ với người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động như:Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Tuy nhiên, chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện tại vẫn chưa giải quyết được những tồn tại, bất cập của thị trường xuất khẩu lao động. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa, tổ chức hậu kiểm để quản lý các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, các địa phương để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Dưới góc độ vĩ mô, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho rằng, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần phải định hướng rõ việc phát triển hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19.

Theo đó, cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, nhưng có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu… Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

“Do vậy, cần tập trung phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn về tài chính và khó khăn khác để phục hồi, phát triển”, luật sư Kiên nhấn mạnh.

Hoàng Yên

Tin nổi bật