Nhìn lên bàn thờ khói hương nghi ngút, bên trên là di ảnh người bố, bé gái 4 tuổi hồn nhiên hỏi bà nội: “Bà ơi! Bàn thờ này thờ ai hả bà?”. Nghe câu hỏi ngô nghê của cháu, bà nội vội chạy ra ngoài ôm mặt khóc...
Các bị cáo tại toà. |
Đòi tài sản không đúng cách
Mới đây, Trần Anh Quang (SN 1990, ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội), Lê Tiến Dũng (SN 1991, ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Sầm Mạnh Hùng (SN 1989, ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú), Hà Trung Kiên (SN 1988, ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), Hoàng Hữu Nam (SN 1993, ở xã Tam Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội) và Trần Ngọc Ba (SN 1989, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội danh Giết người.
Cả 6 bị cáo ngồi thẫn thờ trước bục khai báo, người nào người nấy cúi gằm mặt, không nói với nhau câu gì. Tội trạng của 6 bị cáo được nhắc lại qua giọng đọc đanh thép của vị đại diện VKSND khi công bố bản cáo trạng.
Theo đó, vào khoảng 12h45 ngày 26/9/2018, Trần Anh Quang đang ở nhà tập thể G3 Trung Tự, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội thì phát hiện xe máy của gia đình dựng ở sân bỗng dưng “không cánh mà bay”. Quang sử dụng định vị thì phát hiện xe máy đang ở khu vực Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Lúc này, Quang gọi cho bạn là Lê Tiến Dũng đến đón Quang đi tìm xe. Ngoài ra, Quang còn gọi cho Sầm Mạnh Hùng (thời điểm đó đang ở Hà Nội) hỗ trợ tìm lại tài sản bị mất.
Lúc đó, Sầm Mạnh Hùng đang chở bạn là Hà Trung Kiên cũng nhanh chóng đi tìm xe theo chỉ dẫn của Quang. Khi cả hai đến phố Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng thì Mạnh Hùng và Kiên nhìn thấy anh Cáp Trọng H. (SN 1968, ở quận Lê Chân, Hải Phòng) đang dắt xe máy BKS 29B1-661.67 của Quang. Hai người này vội nhảy xuống xe, lao tới tóm cổ áo và dùng tay chân đánh, đấm túi bụi vào đầu, vào người anh H.
Cùng lúc này, Hoàng Hữu Nam điều khiển xe máy chở Trần Ngọc Ba đi đến cũng xuống xe và xông vào dùng chân đá liên tiếp vào nạn nhân. Mặc cho nạn nhân bất tỉnh, khi Dũng và Quang chở nhau đến, hai người này tiếp tục “bồi” thêm nhiều phát đá, đấm vào những vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân. Vừa đánh, cả nhóm không ngừng chửi bới việc anh H. lấy xe của Quang. Nhận được tin báo, Công an phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng đến hiện trường để giải quyết vụ việc, thấy anh H. bị thương nặng nên đã đưa đến bệnh viện cấp cứu. Song do thương tích quá nặng, anh H. đã tử vong cùng ngày.
Hai ngày sau, Trần Anh Quang bị cơ quan CSĐT ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi Giết người. Các ngày sau đó, lần lượt 5 người còn lại gây ra cái chết cho anh H. đã đến công an đầu thú.
Nỗi đau người ở lại
Mỗi lần nhìn thấy 2 cháu còn thơ dại, thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố là người bà lại không cầm được nước mắt. Vì sự ra tay tàn nhẫn của các bị cáo, không chỉ tước đoạt mạng sống người khác trái pháp luật, gây tang thương, đau xót cho gia đình nạn nhân. Thương cháu, người bà chỉ mong những người gây ra tội lỗi biết hối cải, nhận ra cái sai để an ủi vong linh người đã khuất.
Trong phiên tòa, mẹ nạn nhân Cáp Trọng H. ngồi ở một góc với khuôn mặt buồn, ánh mắt vô hồn tưởng chừng như không còn nước mắt để khóc. Khi chúng tôi lại gần động viên, chia sẻ với bà về nỗi đau mất con, đôi mắt bà đã ngân ngấn lệ. Mẹ anh H. buồn rầu cho biết, ông bà đều là công chức Nhà nước, nghỉ hưu nhiều năm nay. Thương anh C. có vợ đi xuất khẩu lao động, ông bà đã nuôi nấng, chăm chút 2 đứa con anh H. từng ly từng tí. Éo le ở chỗ, ngày anh H. gặp nạn, vợ anh này cũng không được về vì chưa hết thời hạn 4 năm lao động theo hợp đồng, nếu cố tình phá vỡ hợp đồng thì sẽ phải bồi thường một số tiền lớn. Kể đến đây, mẹ anh H. càng xót xa thương hai đứa cháu không có bố mẹ bên cạnh.
“Ngày đưa tiễn bố nó, nhìn 2 đứa bé mặc áo tang khiến mọi người không cầm được nước mắt. Nhưng vì các cháu còn quá nhỏ (bé gái lớn mới 4 tuổi), chưa hiểu được bố chúng đã mất”, mẹ anh H. nói. Điều khiến bà day dứt, ám ảnh nhiều ngày là câu hỏi ngây thơ của cháu nội. Cháu gái bà khi bố mất mới được 4 tuổi chưa biết gì đã hỏi: “Bà ơi, bàn thờ này thờ ai hả bà”? Lần khác thì cháu bé cứ đứng bên bàn thờ rồi òa khóc. Chứng kiến cảnh tượng này, bà nội đau quặn từng khúc ruột, nước mắt đã vơi đi lại tuôn rơi không thể kìm được.
Trước nỗi đau mà các bị cáo đã gây ra cho gia đình bị hại, song họ vẫn xin tòa cho các bị cáo được hưởng mức án khoan hồng để sớm được về đoàn tụ cùng người thân. Nghe những lời này từ gia đình nạn nhân, các bị cáo càng thêm day dứt, ân hận về hành vi bồng bột, côn đồ của mình và gửi lời xin lỗi tới gia đình anh H.
Lật lại hồ sơ mới hay, đây cũng không phải lần đầu tiên một số bị cáo trong vụ án này đối diện trước pháp luật. Người có "số má" nhất trong số này phải kể đến Lê Tiến Dũng. Dũng từng có 1 tiền án về tội Giao cấu với trẻ em, bị TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) xử phạt 3 năm 6 tháng tù ngày 27/11/2014. Thứ hai là bị cáo Trần Anh Quang, trước khi bị xét xử về tội Giết người, Quang đã nhiều lần bị Công an quận Đống Đa xử phạt hành chính về các hành vi Cố ý gây thương tích, Tàng trữ vũ khí thô sơ và Gây rối trật tự công cộng.
Chưa biết sợ, các bị cáo "ngựa quen đường cũ" giở thói côn đồ, coi thường tính mạng người khác, dẫn tới cái chết tức tưởi cho nạn nhân Cáp Trọng H. Căn cứ vào diễn biến phiên xét xử công khai cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, TAND TP.Hà Nội nhận định: Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe người khác được pháp luật bảo vệ; gây mất trật tự trị an, bất bình trong dân cư. Do vậy, cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe. Xét tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Trần Anh Quang 19 năm tù về tội Giết người. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 15 đến 17 năm tù.