Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan xin lại những tài sản nào?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Sau khi trình bày những nội dung liên quan đến vụ án, bà Trương Mỹ Lan mong muốn xin lại các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra.

Không kêu oan, chỉ mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt

VnExpress đưa tin, chiều 4/11, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo về các sai phạm ở Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại giai đoạn một vụ án bước vào phần xét hỏi.

Trả lời HĐXX về nội dung kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan nói không kêu oan về 3 tội danh bị cáo buộc là Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chỉ xin tòa xem xét bối cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Dân Việt

Theo bị cáo, trước đó chỉ chuyên kinh doanh bất động sản, không biết gì đến tài chính ngân hàng. Khi được Ngân hàng Nhà nước động viên tham gia với vai trò là cố vấn cho SCB dưới sự giám sát của cơ quan này thì mới bước chân vào. SCB như “cỗ máy đốt tiền”, bao nhiêu cũng không đủ nhưng vì bị cáo "có tính làm gì là làm đến nơi đến chốn, làm cho bằng được" nên mới bị vướng vào vụ án này.

"Bị cáo rất đau lòng vì vụ án khiến biết bao nhiêu người vướng lao lý. Bị cáo không đổ tội cho ai cũng không chối cãi gì, mà chấp nhận toàn bộ hậu quả. Bị cáo chỉ muốn giãi bày để HĐXX hiểu, giảm nhẹ hình phạt", bà Trương Mỹ Lan nghẹn giọng nói.

Bà Trương Mỹ Lan sau đó bật khóc, phân trần "suốt 20 năm qua ngày nào cũng quay cuồng với việc tìm kiếm tài sản đưa vào để tái cơ cấu SCB". Bản thân không có vị trí nào tại SCB, chưa bao giờ đưa người nào vào tham gia điều hành cũng như sử dụng tiền của ngân hàng "mà chỉ đưa tài sản vào SCB".

Khi tòa yêu cầu chứng minh việc đã đưa tiền, tài sản vào SCB, bà Trương Mỹ Lan kể đó là tòa nhà Time Square, An Đông, Windsor. Bà cũng khẳng định các tài sản này được hình thành trước khi tái cơ cấu SCB và không dùng đảm bảo cho các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, chủ tọa lưu ý hồ sơ vụ án thể hiện các tài sản này dùng thế chấp cho các khoản nợ của Vạn Thịnh Phát lên tới 33.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, SCB cũ từ trước khi hợp nhất.

Bà Trương Mỹ Lan "cam kết 100% không có chuyện đó" và lập luận: "Nếu bị cáo có dư nợ như vậy thì Ngân hàng Nhà nước không bao giờ vận động bị cáo tham gia tái cơ cấu".

Căn biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2 nằm ở quận 3 (TP.HCM) được bà Trương Mỹ Lan mua lại với giá 700 tỷ đồng. Ảnh: VnExpress

Theo đề nghị của chủ tọa, bà Trương Mỹ Lan liệt kê các tài sản mà gia đình có được trước khi sát nhập 3 ngân hàng yếu kém thành SCB, bao gồm: Tòa nhà An Đông (xây năm 2000), tòa nhà 127 Pasteur (2002), sau đó có cho SCB mượn một số căn hộ trong cao ốc này. Nguồn tiền hình thành tài sản này là do gia đình bà kinh doanh buôn bán trong mấy chục năm (kinh doanh vàng và mua nhiều bất động sản khi giá còn rất rẻ).

Khi chủ tọa hỏi “ "Đến thời điểm bị truy tố, tổng tài sản của bị cáo có những gì?", bà Trương Mỹ Lan nói: "Dường như không có tài sản nào mới, chỉ có Windsor, Amigo và một số tài sản nhờ người khác đứng tên".

HĐXX tiếp tục thẩm vấn bà Trương Mỹ Lan về những tài sản nhờ người đứng tên, tổng số nợ (các khoản vay) của Vạn Thịnh Phát tính đến nay là bao nhiêu, lý do bị cáo nói "không vay" nhưng lại phải khắc phục...

Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan không trả lời đúng trọng tâm mà phân trần về tình trạng sức khỏe hiện không tốt, muốn xin hoãn phiên tòa. Chủ tọa sau đó đề nghị bà Trương Mỹ Lan có thể trả lời sau các nội dung này.

Bà Trương Mỹ Lan xin lại những tài sản nào?

Báo Dân Việt đưa tin, sau khi trình bày những nội dung liên quan đến vụ án, bà Trương Mỹ Lan mong muốn xin lại các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra.

Cụ thể, bị cáo xin tòa giải tỏa 2 tòa nhà trên đường Trần Cao Vân và Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) vì đây là tài sản mẹ của bà cho riêng Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), không liên quan vụ án.

Bên cạnh đó, bà xin giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM). Điều này đã được bà trình bày rất nhiều tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo nói đây là tài sản riêng của gia đình, có giá trị lớn về mặt văn hóa, di sản.

Ngoài ra, bà đề nghị HĐXX giải tỏa tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ (quận 1). Bị cáo nói xin lại tài sản này để cho thuê, lấy tiền tu sửa biệt thự trên đường Võ Văn Tần vì nhiều năm nay SCB không thanh toán tiền thuê nhà.

Đối với tòa nhà Sherwood 127 Pastuer, bà Trương Mỹ Lan "xin lại" vì tài sản này xây từ năm 2000, trước khi bà vào SCB.

Bà cũng xin lại căn nhà số 78 Nguyễn Huệ (quận 1) vì đây là tài sản mua cho con gái và xin lại 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô đang bị kê biên trong quá trình điều tra vụ án.

Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan xin lại hàng loạt tài sản như sổ tiết kiệm, các bất động sản làm trụ sở Vạn Thịnh Phát vì được tạo lập trước khi bà tham gia tái cơ cấu SCB.

Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Dân Việt

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái của bà Lan) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Với tội danh "Tham ô tài sản”, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Huệ Vân 18 năm tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Huệ Vân trình bày rằng mình chưa bao giờ lợi dụng chức vụ để trục lợi và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cũng cho biết đã tác động gia đình nộp 2,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả, đồng thời có một số tình tiết giảm nhẹ mới.

Bản án sơ thẩm xác định rằng các tài sản đứng tên Trương Huệ Vân đều thuộc sở hữu thực tế của bà Trương Mỹ Lan, người đã nuôi nấng bị cáo từ nhỏ. Do đó, HĐXX quyết định tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.

Tại phiên tòa, bị cáo Trương Huệ Vân xin HĐXX xem xét giải tỏa kê biên, trả lại các tài sản đứng tên mình, vì cho rằng đây là tài sản riêng do bà nội tặng cho và không thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan.

Đại diện Viện Kiểm sát sẽ tiếp tục xét hỏi các bị cáo có vai trò chủ chốt trong vụ án vào ngày mai.

Tin nổi bật