Bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La khẳng định ông bị ép cung, mớm cung tại cơ quan điều tra.
Tờ Giáo Dục Việt Nam đưa tin, ngày 18/7, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La bước sang ngày làm việc thứ tư phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo liên quan đến những bê bối trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Đáng nói, trong những ngày làm việc trước, phần xét hỏi nhân chứng và người có liên quan được Hội đồng xét xử hỏi đã trả lời ngược lại hoàn toàn so với những lời khai trước đó tại cơ quan điều tra.
Nhiều nhân chứng trước tòa khai báo, thông qua mối quan hệ quen biết, bạn bè, chỉ nhờ các bị cáo xem giúp điểm thi, chứ không nhờ nâng điểm thi.
Số tiền cảm ơn qua việc xem điểm này từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng "chỉ là tiền uống nước".
Lý do mà nhiều phụ huynh có con được nâng điểm cũng như cấp trung gian ngụy biện rằng muốn biết điểm trước để kịp điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, trên thực tế sau ngày bộ GD-ĐT công bố kết quả thi, các thí sinh lúc đó mới lựa chọn nguyện vọng.
Bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La). Ảnh: Vnexpress |
Cũng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo liên quan đến những bê bối trong kỳ thi tTHPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La, theo Zing.vn, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La) khẳng định ông bị ép cung, mớm cung tại cơ quan điều tra. Chứng minh việc này, ông Yến khai hôm 20/7, sau khi bị triệu tập, bị cáo bị giữ gần 3 ngày đêm.
"Trong một số biên bản ghi lời khai, có một số nội dung ghi không đúng lời khai bị cáo. Điều này có thể so sánh biên bản hỏi cung với bản tự khai trong cùng một buổi”, bị cáo Trần Xuân Yến khai trước tòa.
Theo cựu Phó Giám đốc sở GDĐT Sơn La, trong cuộc hỏi cung ngày 23/7, bị cáo khai nhờ xem điểm nhưng điều tra viên lại ghi ông nhờ nâng điểm. Bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định còn nhiều khác diễn ra việc tương tự nhưng không nhớ hết
Ông Yến cũng khai trong một buổi hỏi cung khác, bị cáo đọc thấy biên bản ghi không đúng. Khi ông Yến đề nghị ghi đúng lời khai thì điều tra viên không ghi lại mà yêu cầu bị cáo tự bổ sung vào biên bản.
Ngoài ra, bị cáo cũng khai một số biên bản trong hồ sơ được chép từ tài liệu cơ quan công an cung cấp. Như biên bản hôm 21/2/2019, ông Yến đã ghi rõ việc chép từ tài liệu của cơ quan điều tra. Sau này, điều tra viên yêu cầu ông xóa từ “chép” và thay băng từ “ghi”. Bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định hồ sơ vụ án có thể hiện rõ việc này.
Về danh sách 8 thí sinh đã đưa cho cấp dưới là bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, ông Yến nói chỉ nhờ xem trước điểm vì trong trường hợp trên có người quen của cựu Giám đốc sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức. Bị cáo khẳng định không đề nghị cấp dưới nâng điểm, không hỏi về cách sửa điểm hay cho phép người khác làm việc này.
Khi HĐXX yêu cầu đưa ra các căn cứ chứng minh việc bị mớm cung và ép cung, bị cáo Trần Xuân Yến nói có thể so sánh biên bản hỏi cung và tự khai trong cùng một ngày sẽ thấy sự khác biệt. Cho rằng tài liệu này không khách quan, cựu Phó Giám đốc sở đề nghị HĐXX xem xét đánh giá.
Vẫn theo lời ông Yến, có lúc điều tra viên ghi lời khai trước, có lần lại đề nghị báo cáo tự khai. Nhưng cũng có hôm, điều tra viên ghi biên bản lời khai đồng thời yêu cầu bị cáo tự ghi lời khai. Chủ tọa cho rằng về logic thì không thể vừa ghi lời khai, vừa tự khai. Việc này sẽ thể hiện bằng thời gian ghi trong biên bản.
Khai trước tòa, bị cáo Yến tái khẳng định sau khi hoàn thiện biên bản, ông không nhất trí với một số nội dung nên đã ghi dòng chữ: “Tôi không nhờ bà Nga nâng điểm”. Còn khi viết bản tự khai, điều tra viên đưa cho ông chép theo một bản khai khác nhưng có một số nội dung phản ánh không đúng. Như cuộc hỏi cung ngày 20/2/2019 (có sự chứng kiến của kiểm sát viên), bị cáo không được ghi ý kiến vào bản cung.
Sau đó, chủ tọa đã đọc bản cung ông Yến đề cập, trong đó thể hiện bị cáo ghi rõ là đã đọc và công nhận lời khai là đúng. Do dó, thẩm phán cho rằng ông Trần Xuân Yến đã được thể hiện ý chí của mình. Ngoài ra, cựu Phó Giám đốc sở nói không có bằng chứng khác cho thấy bị ép cung, mớm cung.
Thanh Tùng (T/h)