TAND TP.HCM vừa tuyên án đối với 10 bị cáo trong đường dây mua bán “logo xe vua” do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982) cầm đầu về các tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ.
Cụ thể, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới mức án 14 năm tù giam. Tuyên phạt bị cáo Vân mức án 9 năm tù.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo đồng phạm gồm: Trần Quốc Thái (SN 1971) 10 năm tù, Mai Vân Thái Em (SN 1979) 3 năm tù, Huỳnh Tấn Thắng (SN 1983) 4 năm tù, Nguyễn Văn Phúc (SN 1967) 3 năm tù, Trần Trọng Nhân (SN 1988) 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Minh Thiên (SN 1988) 3 năm tù và Nguyễn Mai Hữu Nhân (SN 1990) 1 năm 6 tháng 23 ngày tù cùng về tội Đưa Hối lộ.
Bị cáo buộc tội Môi giới hối lộ, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973), cán bộ đội 1, phòng CSGT tỉnh Đồng Nai bị tuyên phạt mức án 8 năm tù giam.
Hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên đã rõ, không thể chối cãi nên việc bị khép tội, tuyên án là điều hiển nhiên, đúng quy định pháp luật.
Trong vụ án này, điều bất thường nhất lại không được nhắc đến, đó là việc 79 cán bộ CSGT, TTGT dù được các bị cáo khai có nhận tiền để bảo kê xe quá tải, nhưng không một ai thừa nhận.
Các bị cáo tại tòa. |
Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến tháng 8/2015, Thới bán khoảng 15.000 lượt logo và thu được 22,8 tỷ đồng. Trong đó, Thới sử dụng gần 5 tỷ đồng để đưa hối lộ 79 lần, ít nhất là 9 triệu đồng và nhiều nhất là 150 triệu đồng. Số tiền 17,8 tỷ đồng Thới khai sử dụng để nộp phạt cho các xe bị xử phạt, thuê người cảnh giới CSGT. Bản thân hưởng lợi 1,3 tỷ đồng…
Lê Thị Cẩm Vân bán logo được 7,9 tỷ đồng, sử dụng 627 triệu đồng đưa hối lộ, lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng và nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Các bị cáo khai đã đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, TTGT ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Các bị cáo nêu rõ tên tuổi, đơn vị công tác của 80 cán bộ này nhưng chỉ có duy nhất một cán bộ CSGT thuộc Công an tỉnh Đồng Nai thừa nhận và đã bị tuyên án. Còn tất cả 79 cán bộ CSGT, TTGT còn lại đều phủ nhận việc nhận hối lộ để bảo kê xe quá tải.
Quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đều nhận định: Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ cho 79 CSGT, TTGT được liệt kê; qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị cáo, có những số điện thoại các bị cáo liên lạc là của CSGT, TTGT mà cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra. Điều đó thể hiện lời khai của các bị cáo về mối quan hệ đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là có căn cứ.
Tuy nhiên, đa số các cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận tiền hối lộ của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Tuy có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh.
Do đó, cơ quan CSĐT chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của 79 CSGT, TTGT theo lời khai của Thới, Vân và đồng phạm.
Cơ quan điều tra và cả VKSND Tối cao trong quá trình điều tra, truy tố vẫn khẳng định có việc các bị cáo đưa hối lộ cho các cán bộ CSGT, TTGT tại các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM là có thật nhưng vì không cán bộ nào nhận nên không thể kết tội.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, cơ quan tố tụng đã làm việc hết trách nhiệm chưa, đã thu thập được các bằng chứng đủ mạnh để buộc các cán bộ này phải thừa nhận tội. Chẳng lẽ không thừa nhận có nhận tiền hối lộ là có thể thoát tội một cách dễ dàng như thế?
Ngoài lời khai của các bị cáo, lời phủ nhận việc nhận hối lộ của các cán bộ CSGT, TTGT, thì còn đó biên bản nhận dạng đều xác định được tên tuổi, đơn vị làm việc của các CSGT, TTGT đã nhận tiền của các bị cáo. Đó là chưa kể những chứng cứ khác để xác định có hay không việc nhận hối lộ như sổ ghi chép lại số tiền đưa hối lộ, trùng khớp với tên, tuổi của cán bộ, trùng với số tiền mà một số bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra và tại tòa. Ngoài ra, trong điện thoại của các bị cáo cũng thể hiện có sự liên lạc giữa các bị cáo với cán bộ CSGT, TTGT.
Nếu thật sự không có giao dịch qua lại thì liệu những bị cáo này có biết được tên, tuổi, đơn vị công tác, cả số điện thoại của 79 cán bộ CSGT, TTGT nghi có liên quan đến vụ án này? Câu hỏi này có lẽ dư luận đang mong chờ nhất các cơ quan tố tụng có câu trả lời thỏa đáng.
Trước đó, hồi tháng 4, TAND TP.HCM từng đem vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1. Ngay trong phần thủ tục, luật sư Lê Thị Bích Chi đề nghị triệu tâp 79 CSGT, điều tra viên, TTGT có liên quan tới phiên tòa nhằm làm rõ một số vấn đề của vụ án.
Bên cạnh đó, một số luật sư đề nghị bổ sung Công an tỉnh Đồng Nai là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và cần triệu tập đến tòa vì vụ án xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, đối tượng đưa và nhận hối lộ là Công an tỉnh Đồng Nai. Vì vậy cần làm rõ hành vi của những người này.
Về các yêu cầu này, Thẩm phán Huỳnh Văn Trực – Chủ tọa phiên tòa cho rằng, liên quan tới 79 CSGT, TTGT, cáo trạng đã xác định không có căn cứ để khởi tố vì vậy HĐXX không triệu tập những người này tới tòa là đúng quy định.
Phiên tòa sơ thẩm lần 1 kết thúc mà tòa không thể tuyên án, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hai phiên tòa sơ thẩm lần 2 (14/8) và sơ thẩm lần 3 (30/8) đều không nhắc tới, hoặc nhắc rất hạn chế về vai trò của 79 cán bộ CSGT, TTGT có liên quan này.
Cho đến phiên xử ngày 3/10 mới đây, trong phần tranh luận các luật sư của bị cáo cũng như đại diện VKS cũng không đề cập tới hành vi của 79 cán bộ TTGT và CSGT này dù ban đầu được cho là có liên quan đến hành vi nhận hối hộ và môi giới hối lộ.
Trong phần tuyên án, HĐXX cũng chỉ nhắc đến việc 79 CSGT, TTGT bị tố có nhận tối lộ chỉ vỏn vẹn 1 đoạn ngắn, rằng theo diễn biến tại phiên tòa và cáo trạng của VKS thì hành vi của 79 TTGT, CSGT khác chưa đủ căn cứ để cấu thành tội phạm. Các bị cáo khai có đưa hối lộ cho 79 cán bộ CSGT, TTGT nhưng không một ai trong số cán bộ này thừa nhận. Khuôn khổ phiên tòa, HĐXX chỉ xét xử hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án, vì vậy tòa không xem xét hành vi các TTGT, CSGT bị tố có nhận hối lộ này.
Ngoài ra, không có bất cứ một đề nghị nào về việc làm rõ trách nhiệm của 79 CSGT, TTGT nghi có liên quan trong vụ án này.
Công Thư
Theo Người Đưa Tin