Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô thực sự tiêu biểu, hướng tới tầm cao văn hóa, hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực và phát triển bền vững

(DS&PL) -

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thành ủy Hà Nội đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm trọng tâm

(ĐS&PL) Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thủ đô Hà Nội triển khai Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã thu được nhiều thành tựu tích cực. Để rõ hơn những kết quả nêu trên, chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô thực sự tiêu biểu, hướng tới tầm cao văn hóa, hiệu quả kinh tế xã hội và phát triển bền vững" - Phần 1: Những kết quả nổi bật sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội của ThS.Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.

Diện mạo Nông thôn mới của Hà Nội đã có nhiều thay đổi những năm gần đây

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thành ủy Hà Nội đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm trọng tâm, xuyên suốt; vì vậy từ Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2010-2015) đến Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), Thành ủy xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng và được xây dựng thành chương trình công tác lớn, trọng tâm của toàn khóa đó là Chương trình số 02-CTr/TU (gọi tắt là Chương trình số 02).

Trong 10 năm thực hiện Chương trình, Thành ủy đã tổ chức trên 55 cuộc kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo thực hiện và trên 30 thông báo kết luận kiểm tra thực tế và họp giao ban hàng quý của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo HĐND, UBND Thành phố; các sở, ban, ngành Thành phố; các huyện, thị xã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai tốt Chương trình ngay từ những năm đầu thực hiện.

Riêng Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 14 Nghị quyết triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Trung ương. Đồng thời thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mức tăng năm sau cao hơn năm trước. Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã đã ban hành nhiều nghị quyết để chỉ đạo thực hiện. Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết.

Ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa gắn với nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Tp. Hà Nội

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, ngoài xã điểm Thụy Hương do Trung ương lựa chọn làm điểm, thành phố Hà Nội chọn 03 xã làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của Thành phố và 15 xã làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của 15 huyện, thị xã; phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030. Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình. Trong thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành trên 125  Chương trình, Kế hoạch, Đề án, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện Chương trình. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu có hiệu quả; chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện Chương trình.

Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã và các xã tập trung quyết liệt, sáng tạo trong thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề raỦy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng Nghị quyết, ban hành các chương trình, đề án, chính sách cụ thể, tham mưu đề xuất HĐND các huyện, thị xã bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách của huyện cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công tác đào tạo, tập huấn được Ban Chỉ đạo Thành ủy đặc biệt quan tâm. Hàng năm, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, từ Thành phố tới huyện, thị xã, xã và các thôn. Đến nay đã tổ chức tập huấn được trên 85 nghìn lượt người. Ngoài ra, các sở, ngành theo nhiệm vụ được phân công và các huyện, thị xã còn chủ động tổ chức các lớp tập huấn, tham quan phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong và ngoài nướcđể lựa chọn cách làm sáng tạo phù hợp với từng địa phương.

Điểm mới trong xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội là tìm ra những mô hình tốt, cách làm hay để nhân rộng ở các địa phương khác trong cả nước

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”đã được lan rộng sâu rộng trong toàn Thành phố. Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở và đặc biệt là người dân, thành phố Hà Nội vinh dự đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều Bằng khen của các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, Thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí. Ngoài ra, các quận cũng đã tích cự hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 633 tỷ đồng.

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 tăng trưởng và phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 02 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).

Kết quả công tác dồn điền đổi thửa  đất sản xuất nông nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Thành phố đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%). Sau dồn điền đổi thửa, Thành ủy xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân là nhiệm vụ cấp bách. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa đạt 99,21%.

Kết quả thực hiện mô hình sản xuất  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất  nông nghiệp. Đến nay, có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các mô hình hiện nay tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Về xây dựng huyện nông thôn mới: Đã có 06 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố đang chỉ đạo Thị xã Sơn Tây trình công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu); ngoài ra có 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 08 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Nông thôn mới của Hà Nội phát huy được những giá trị  các làng nghề

Về nâng cao đời sống nông dân, trong những năm gần đây, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã kết nối Internet;

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%; ... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 98,6%, vượt trước 02 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra (95%).

Ngân sách Thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2019 là: 76.451 tỷ đồng, trong đó:Ngân sách Trung ương: 58 tỷ đồng, chiếm 0,08%; Ngân sách Thành phố: 25.958tỷ đồng, chiếm 34% (hỗ trợ trực tiếp: 10.323tỷ đồng, vốn lồng ghép: 15.635tỷ đồng); Ngân sách cấp huyện: 32.224tỷ đồng, chiếm 42,12%; Ngân sách xã: 3.471 tỷ đồng, chiếm 4,5%; Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách: 14.741tỷ đồng, chiếm 19,3%. Ngoài ra, ngân sách Thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân,với số kinh phí 750 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả khá tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá, cụ thể:

Có 03 chỉ tiêu vượt trước 02 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/01ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thành phố đã có 04 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường. Công tác dồn điền đổi thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Phần 2: Những tồn tại và bài học kinh nghiệm

ThS. Nguyễn Văn Chí/Sức Khỏe 365

Tin nổi bật