Chiến lược mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 3/5 và được chỉ định cho giai đoạn 2023-2025. Đây là lần thứ 4 tổ chức này công bố kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19 kể từ ca mắc đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP
Chiến lược mới sẽ duy trì hai mục tiêu của kế hoạch trước đó được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lưu hành của virus nCoV và điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc, triệu chứng lâu dài.
Mục tiêu mới thứ ba là "hỗ trợ các quốc gia chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang phòng ngừa, kiểm soát và quản lý COVID-19 bền vững, lâu dài".
Việc công bố này diễn ra trước thềm cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO để quyết định liệu có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch COVID-19 hay không.
Theo WHO, việc tiếp tục nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và tác động của nó là điều cần thiết. "Việc ứng phó với COVID-19 rất tốn kém, nhưng cái giá phải trả sẽ lớn hơn nếu chúng ta không xây dựng các khoản đầu tư đó bằng cách thực hiện cam kết bền vững đối với khoa học và sức khỏe cộng đồng", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.
Tuần trước, WHO cho biết số ca tử vong do COVID-19 giảm 95% kể từ đầu năm, nhưng cảnh báo virus vẫn lưu hành trong cộng đồng. Các quốc gia cần học cách quản lý các tác động không khẩn cấp của nó, đặc biệt là tình trạng hậu COVID-19.
Hiện nay, số ca COVID-19 tăng trở lại ở một số quốc gia, đặc biệt là Đông Nam Á, song số ca tử vong và nhập viện không tăng. Các nước đối mặt với biến chủng phụ mới của Omicron là XBB.1.16. Tại Việt Nam, số ca COVID-19 cũng tăng trở lại, các bác sĩ đang theo dõi độc lực của các chủng nCoV lưu hành.
Mộc Miên (T/h)