Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ trốn thuế thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Nghi ngờ có “lợi ích nhóm”

(DS&PL) -

Những nhân sự cốt cán điều hành trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị bắt tạm giam đề điều tra về hành vi trốn thuế khi thời gian thu phí của cao tốc này đã hết.

Những nhân sự cốt cán điều hành trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị bắt tạm giam đề điều tra về hành vi trốn thuế khi thời gian thu phí của cao tốc này đã hết. Tại sao những sai phạm không được phát hiện sớm hơn? Chính điều này cũng đã được đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đặt ra và nghi ngờ có lợi ích nhóm.

Phương thức gian lận phí tinh vi

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – bộ Công an) đã bắt hàng loạt lãnh đạo công ty Yên Khánh sử dụng phần mềm thu phí trốn thuế cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đáng chú ý, trong số những người bị bắt có Giám đốc công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi, Nguyễn Văn Hiền gây xôn xao dư luận.

Tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Trung Lương với chiều dài gần 62km gồm 6 làn xe, thiết kế với vận tốc 120km/h, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường có lượng phương tiện qua lại tương đối lớn.

Năm 2013, Tổng công ty Cửu Long được bộ Giao thông Vận tải giao ký kết hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) cho công ty Yên Khánh, đơn vị trúng thầu, với giá trị hợp đồng 2.004 tỷ đồng. Thời hạn thu phí 5 năm, kể từ 0h ngày 1/1/2014 và kết thúc vào 24h ngày 31/12/2018. Kể từ ngày 1/1/2019, tuyến cao tốc này không thu phí cho đến khi có chủ trương mới của Nhà nước.

Trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định năm 2013, sau khi trúng thầu quyền thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phía công ty Yên Khánh đã chuyển đủ tiền mua quyền thu phí cho Nhà nước, chấp nhận lời ăn lỗ chịu. "Nếu doanh thu tăng hơn ước tính mà họ dùng phần mềm để che giấu, gian lận là để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước về mặt thuế chứ Nhà nước không bị thất thoát trực tiếp từ thu phí vì đã bán trọn gói quyền thu phí có thời hạn cho Công ty Yên Khánh" - ông Huyện nói.

Trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Theo thông tin từ một tờ báo, vào năm 2015, các đối tượng đã thuê chuyên gia về công nghệ thiết kế phần mềm nhằm ăn gian doanh số thu phí. Phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. Khi các phương tiện qua trạm thì nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.

Bộ Công an đang làm rõ thời gian từ năm 2015 đến lúc triệt phá thì phần mềm giúp các trạm thu phí ăn gian doanh số thu phí là bao nhiêu. Trên cơ sở đó tính ra số thuế mà các đối tượng trốn được. Hằng ngày lượng phương tiện qua lại tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Trung Lương là khá lớn.

Để làm rõ cách thức gian lận phí tại trạm BOT, trao đổi với PV báo ĐS&PL, một người từng phụ trách quản lý trạm thu phí trên cao tốc (xin giấu tên) chỉ rõ cách thức gian lận: “Để có thể gian lận phí tại trạm thu phí, kỹ thuật viên lắp đặt phần mềm quản lý thu phí sẽ bí mật cài đặt thêm một chương trình song song với phần mềm quản lý chính, khi muốn gian lận ở cabin (phòng nhân viên ngồi để thu phí) thì nhân viên thu phí quét thẻ điện tử đã được cài đặt mã vào máy thu phí của cabin ấy”.

“Khi đó, tất cả số liệu xe đầu vào sẽ được chuyển sang phần mềm phụ, nhìn bên ngoài không thể phát hiện được vì các thao tác thu phí đều đúng quy trình. Nếu không gian lận nữa thì quét thẻ thoát ra, trả lại hệ thống thu phí cho phần mềm quản lý chính. Tôi chỉ cần vào hệ thống giám sát hình ảnh 30 phút là phát hiện được quá trình gian lận phí”, vị này khẳng định.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho hay: “Tôi chỉ nghĩ rằng, vấn đề về các dự án giao thông BOT có lẽ người dân cũng đã biết hết rồi. Chính những phản ứng của người dân trong thời gian qua đều bắt nguồn từ việc người dân nhận ra những điểm sai sót trong BOT”.

“Có một điều phải nói thẳng là cơ quan chức năng phản ứng rất chậm trong việc giải quyết các vấn đề tiêu cực, chắc chắn trong BOT có “lợi ích nhóm”, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định.

Kiến nghị rà soát lại toàn bộ dự án BOT

Đối với các vấn đề tiêu cực tại các dự án BOT, ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích: “Lợi ích nhóm, đầu tiên phải nói đến đơn vị khai thác (thu phí - PV) họ gian lận để thu về lợi nhuận nhiều hơn so với vốn đầu tư của họ. Tuy nhiên, Nhà nước là đơn vị quản lý nắm rõ số tiền đầu tư ấy, cụ thể là bộ GTVT quản lý, chỉ cần nghiêm túc một chút là có thể phát hiện ra điều sai, tiêu cực”.

“Tại sao tiêu cực trong BOT lại tồn tại lâu dài? Nhiều người đã nghi ngờ có sự thông đồng. Đấy là một sự logic lắp ghép lại với nhau là có thể thấy, chỉ có cơ quan quản lý chưa có giải pháp thật mạnh mẽ để giải quyết triệt để các vấn đề”, ĐBQH Dương Trung Quốc thẳng thắn nhìn nhận.

Theo ông Quốc: “Lợi ích nhóm” ở đây chắc chắn là có vai trò của một bộ phận công chức, những người quản lý. Có 2 giải pháp tôi cho là quan trọng nhất mà thời đại 4.0 rồi nhưng chúng ta chưa làm quyết liệt.

Thứ nhất là thu phí tự động cần phải làm nhanh chóng. Bởi thu phí thủ công thì ai cũng nhìn thấy “lỗ hổng” thất thoát phí, người được hưởng lợi chính là chủ đầu tư. Người dân có thể nghĩ mỗi lần họ đi qua chỉ mất món tiền nhỏ, thế nhưng tích lại thì nó lại thành món tiền cực lớn. Tiền đó đi vào túi của những người gian lận phí. Chẳng có lý do gì mà không thực hiện việc thu phí tự động. Việc chậm trễ với lý do không có vốn là hết sức ngớ ngẩn, gian dối”, ĐBQH Dương Trung Quốc đưa ra giải pháp.

Thứ hai là sự giám sát của người dân, tôi đã nói rất nhiều lần rồi, tại sao các trạm thu phí BOT không gắn luôn bảng điện tử thông báo các thông số đầu tư dự án, quy định thu hồi trong bao lâu. Bảng điện tử, thể hiện phép tính đếm lùi, mỗi lần các phương tiện đi qua thu phí được bao nhiêu thì trừ trực tiếp trên bảng điện tử, người dân đủ tỉnh táo để biết dự án thu hồi được bao nhiêu và còn bao nhiêu tiền chưa thu hồi được. Người dân đủ tinh tế để biết có gian lận hay không, khi số lượng xe nhiều mà tiền thu được chậm”, ĐBQH Dương Trung Quốc đưa giải pháp người dân giám sát thu phí.

Để ngăn chặn việc gian lận, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định: “Kỳ họp Quốc hội sắp tới, tôi sẽ kiến nghị 2 giải pháp như vậy. Qua vụ việc vừa xảy ra tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương do công ty Yên Khánh thu phí, sử dụng phần mềm gian lận để trốn thuế, tôi kiến nghị rà soát lại toàn bộ các dự án BOT, không để việc đầu tư, thu phí BOT “mù mờ””.

“Quan trọng nhất là phải có cơ quan độc lập giám sát, và người dân cùng giám sát. Tôi đề nghị bộ Công an vào cuộc để cùng làm việc này. Đồng thời, phải có những chế tài xử phạt thật nặng, chứ hiện nay một cái điệp khúc cứ nói mãi rồi, đó là chế tài xử phạt quá nhẹ. Đến thời điểm này, gian lận phải coi là một tội nặng”, ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ.

Quá trình khám xét khẩn cấp, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước gồm:

1. Ngô Bá Thắng - Giám đốc chi nhánh Long An, thuộc công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;

2. Trần Văn Miền - Phó Giám đốc chi nhánh Long An, kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm, công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;

3. Tô Phước Hùng - Kế toán trưởng công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;

4. Nguyễn Thị Kim Huệ - Kế toán công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;

5. Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi

Thế Anh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 5

Tin nổi bật