Theo báo điện tử VietnamPlus, ngày 25/5, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 4623/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính xử lý thông tin phản ánh về bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn."
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn," đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.
Bảo vật quốc gia khi được trưng bày nguyên vẹn. Ảnh: Tuổi trẻ
Cùng với đó, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6/2025
Đồng thời chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2025.
Theo VnExpress, ngai vàng triều Nguyễn được đặt ở điện Thái Hòa là hiện vật độc bản mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy. Tất cả được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tháng 1/2016, ngai vàng được công nhận bảo vật quốc gia.
Trưa 24/5, Hồ Văn Phương Tâm, 42 tuổi, ở phường Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế mua vé vào cổng Đại nội Huế. Tới điện Thái Hòa, Tâm có biểu hiện không bình thường, bị nhân viên bảo vệ mời ra phía hậu điện.
Hồ Văn Phương Tâm ở trần, có biểu hiện bất thường sau khi bẻ gãy ngai vàng triều Nguyễn. Ảnh: VnExpress
Tuy nhiên, Tâm sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn. Anh ta la hét, bẻ gãy phần tựa phía trước tay bên trái của ngai vàng.
Để tránh việc Tâm manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở anh ta đi ra bên ngoài, đồng thời yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. 12h10, Tâm bị khống chế.
Qua trích xuất camera và điều tra bước đầu, lực lượng chức năng xác định thời điểm xảy ra sự việc, hai nhân viên bảo vệ Đặng Quang Long và Đào Hoàng Vũ đều có mặt ở khu vực điện Thái Hòa. Công an phường Đông Ba đã lập biên bản với Tâm, song chưa thể ghi lời khai do người này có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm, không trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế đang tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Hồ Văn Phương Tâm và phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan nhằm giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.