Như đã đưa tin, hiện em V.V.T.K. (nam sinh bị đánh hội đồng), học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, vẫn chưa thể đi học trở lại sau hai tháng phát bệnh tâm thần vì bị bạn đánh hội đồng.
Sau hai tháng được chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, em K. vẫn chưa nhận ra bố mẹ, người thân, thường xuyên la hét, hoảng loạn, không có khả năng tự chủ trong sinh hoạt, chưa thể đi học lại.
Liên quan đến sự việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã đưa ra một số nhận đinh trên báo Dân trí. Theo đó, luật sư Cường đánh giá: "Với thông tin ban đầu của sự việc và kết luận của cơ sở y tế, hậu quả của hành vi bạo hành, bạo lực học đường đã xảy ra là rất nghiêm trọng.
Nếu kết quả điều trị không tốt, cháu bé có thể mất cả tương lai và nỗi đau của gia đình không biết đến khi nào mới có thể nguôi ngoai".
Hình ảnh nam sinh bị bạn đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip.
Trước sự việc nghiêm trọng, luật sư Cường nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, những người có liên quan khi để vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Đối với hành vi của nhóm học sinh hành hung cháu K., dựa trên hình ảnh clip và thông tin ban đầu, luật sư Cường đánh giá là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Tuy nhiên những học sinh này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (chưa đủ 14 tuổi) nên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.
"Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xem xét các biện pháp hành chính để giáo dục các cháu bé, đồng thời xem xét trách nhiệm của người lớn khi để xảy ra sự việc như vậy.
Trong vụ việc này, cha mẹ của các cháu có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra với nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình thăm khám, điều trị đối với cháu bé", luật sư Cường cho hay.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của phía nhà trường, nơi có các học sinh theo học, huật sư Cường chia sẻ, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, sự việc xảy ra ở nhà trường nên cơ sở giáo dục này cũng có một phần trách nhiệm và phải bồi thường một phần thiệt hại đối với gia đình nạn nhân..
Giấy ra viện của em V.V.T.K. Ảnh: Dân trí.
Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào thiệt hại cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định.
Ngoài vấn đề chung tay giúp sức để tạo điều kiện vật chất tinh thần, cùng có trách nhiệm giải quyết hậu quả là cứu chữa, thăm khám, điều trị cho nạn nhân, cần sớm làm rõ nguyên nhân điều kiện để xảy ra hành vi vi phạm, xác định hậu quả đã gây ra, xem xét trách nhiệm của các cơ quan đơn vị tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường đánh giá, trong vụ việc này, tất cả các cháu bé đều là nạn nhân của nạn bạo hành nơi học đường: "Không chỉ có cháu bé bị đánh, bị tổn thương tâm lý là nạn nhân mà ngay chính các cháu thực hiện hành vi bạo lực đối với bạn của mình cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Các cháu bé này không nhận thức được hết tính chất nguy hiểm hành vi của mình, dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bạn và bản thân phải đối mặt với những thách thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí nếu đủ tuổi còn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định của pháp luật.
Các cháu này chính là nạn nhân của sự việc thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu trách nhiệm của thầy cô, của cơ sở giáo dục.
Bởi vậy, vấn đề không phải là đổ lỗi, truy trách nhiệm các cháu bé này mà phải truy trách nhiệm với người lớn, với cha mẹ và cơ sở giáo dục", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ về tình hình của em V.V.T.K.trên báo Thanh niên, chị Kiều Thị Mai là mẹ của K cho biết: "Lúc tỉnh táo, K. nhận ra cha mẹ nhưng sau đó lại chóng quên, rơi vào trạng thái mất ý thức và thường xuyên bảo tất cả mọi người là "côn đồ", chị Mai nói, và cho hay, khi nóng giận, K. hay ném đồ đạc nên gia đình đã xác định tinh thần con trai bị tâm thần vĩnh viễn.
Người mẹ chia sẻ thêm, gia đình chị được bác sĩ động viên phải điều trị cho K. lâu dài mới có thể hồi phục nên rất lo lắng. Ngoài ra, số tiền khổng lồ từ việc điều trị bên ngoài (2 buổi/tuần với chuyên gia tâm lý) cũng là vấn đề đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như nhà chị Mai.
"Con tôi từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát giờ thành khuyết tật. Những người đã làm cho cháu trở nên như thế này thì vẫn chưa phải chịu bất cứ hình phạt gì. Tôi mong chờ mọi việc do pháp luật phân xử", mẹ của nạn nhân mong mỏi.
Thông tin về sự việc, ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, cho hay, bước đầu, gia đình các em học sinh đánh K. đã đưa hơn 50 triệu để gia đình em K. lo điều trị cho em.
"Các gia đình yêu cầu cung cấp giấy tờ mới bồi thường diễn ra từ hồi giữa tháng 10. Họ bảo đưa chứng từ để chi trả cũng là hợp lý. Chính gia đình em K. nói tiền viện phí không hết là bao, đề nghị các gia đình hỗ trợ nhiều hơn và họ thống nhất phương án", ông Dực chia sẻ.
Vào cuối tháng 10, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường THCS Đại Đồng và lãnh đạo UBND xã Đại Đồng trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn, nhà trường, học sinh khi để xảy ra sự việc học sinh K. bị bạo hành dẫn đến sang chấn tâm lý.
Trước đó, ngày 25/10 trên mạng xã hội lan truyền clip một nam sinh ngồi thụp tại một góc hành lang đang bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip, khiến nhiều người phẫn nộ. Tất cả các nam sinh trong clip này đều là học sinh cùng một lớp. Trong clip, mặc cho nam sinh ngồi kêu khóc, bốn nam sinh khác liên tục lao vào dùng tay chân đấm, đạp vào đầu, vào người bạn, còn một nam sinh khác đứng quay clip. Hình ảnh bạo hành trong clip được một số người dân địa phương cho rằng xảy ra tại nhà văn hóa của thôn, các nam sinh trong clip là học sinh của Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội. Khi xảy ra vụ việc, các nam sinh đều không mặc đồng phục. Phần sau của clip là hình ảnh nam sinh bị bạo hành đang điều trị trong bệnh viện. Trong clip, nam sinh hoảng loạn và có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ họ tên, địa chỉ của mình ở đâu. Nam sinh bị bạo hành trong clip được xác định là em V.V.T.K. học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội. |
Theo quy định tại Điều 12, Bộ Luật Hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên. Nếu các học sinh gây ra sự việc này chưa đủ 14 tuổi thì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi là "đặc biệt nghiêm trọng" thì mới có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng. Với sự việc nêu trên, hậu quả là "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" nên chưa đủ điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng. Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính thì: Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm: - Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự. - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn |
Bảo An (T/h)