Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ khai thác quặng ở Huế: Nghi vấn người Trung Quốc chi tiền thuê khai thác!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Dự đoán là Trung Quốc chi tiền cho những người này làm”, đó là nhận định của ông Phan Thế Xê, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Đông về khai thác quặng trái phép...

(ĐSPL) - “Dự đoán là Trung Quốc chi tiền cho những người này làm”, đó là nhận định ban đầu của ông Phan Thế Xê, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) khi nói về tình trạng một nhóm lao động cả trong nước lẫn người Trung Quốc ngang nhiên khai thác quặng trái phép diễn ra trong thời gian qua trên địa bàn xã Hương Phú.

Liên quan đến việc doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với lao động trong nước và người Trung Quốc khai thác quặng trái phép tại khu vực thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, huyện Nam Đông mà báo Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với chính quyền huyện Nam Đông và cơ quan liên quan tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo đó, qua trao đổi, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận, sở đã nắm được nội dung những phản ánh trên và cũng đã chỉ đạo thanh tra phối hợp với huyện Nam Đông để tìm hiểu, nắm rõ vấn đề.

Theo ông Hồ Đắc Trường, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa có một đơn vị nào được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Việc nhóm lao động người Việt Nam và Trung Quốc khai thác quặng tại khu vực xã Hương Phú là trái phép.

Là cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp có mặt kiểm tra hiện trường khai thác quặng tại thôn Phú Mậu, ông Nguyễn Hoàng Lương, chuyên viên Thanh tra Sở TN&MT tỉnh thông tin: “Sau khi nhận được thông báo từ chính quyền huyện Nam Đông, thanh tra sở đã vào cuộc để tìm hiểu, xác minh. Tại thời điểm chúng tôi tiến hành kiểm tra đã phát hiện một xe múc, vùng đồi núi khoảng 2000m2 đã bị các đối tượng này san hạ với độ sâu trung bình 2m”.

Điều đáng nói, ông Lương cho rằng, khi đoàn thanh tra của sở đến, huyện Nam Đông đã lập biên bản trước và cũng không nhận được báo cáo nào liên quan đến việc có lao động người Trung Quốc tham gia khai thác quặng (?!).

Đặc biệt, mặc dù chúng tôi đã trực tiếp được người dân địa phương dẫn vào khu vực đồi núi mà nhóm đối tượng này tiến hành khai thác quặng với tuyến đường mới mở dài gần 300m. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông lại cho rằng: “Không có ai làm đường, làm xá” và “không có lao động nào người Trung Quốc tham gia khai thác tại thời điểm đoàn liên ngành của huyện kiểm tra, những người Trung Quốc này chỉ đến xem” (?!).

Theo ông Chiến, hiện nay ba hộ ông Đào Sanh, Phan Cư (cùng trú xã Hương Phú), Nguyễn Nam trú tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông hợp đồng san lấp mặt bằng với một đơn vị ở Huế nhưng thực chất là những người này đang làm công tác thăm dò khai thác quặng sắt.

“Đến thời điểm phát hiện ra sự việc, nhóm người trên mới chỉ lấy đất, san lấp mặt bằng chứ chưa có một xe nào chở quặng ra khỏi địa phương…”, ông Ngô Văn Chiến cho biết.

Vùng đồi núi tại thôn Phú Mậu bị các đối tượng khai thác, lộ thiên nhiều khối đá lớn

Tại hiện trường đồi núi thôn Phú Mậu – nơi các đối tượng vận chuyển đất mặt để tiến hành khai thác quặng, chúng tôi phát hiện khối lượng lớn những khoáng sản có màu xanh, màu xám nâu hay đen nâu nằm lộ thiên, rải rác khắp khu vực.

Một số chuyên gia khoáng sản cho biết, đây có thể là các quặng sắt laterit, một trong những thành phần chủ yếu và quan trọng trong ngành công nghiệp luyện kim. Điều này cũng đúng với nhận định ban đầu của Phòng Tài nguyên và Khoáng sản thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo tìm hiểu PV được biết, các quặng sắt này hình thành trong đới laterit của vỏ phong hóa bazan. Các thân quặng sắt có dạng lớp phủ trên mặt địa hình, phân bố ngay trên bề mặt hoặc bị phủ bởi lớp đất đỏ có bề dày trong khoảng 2 – 4m. Quặng sắt laterit gồm các tẳng và các mảnh vụn kiểu kết vón dạng xỉ, một số nơi là đới kết tảng cứng chắc. Tỷ lệ thu hồi sắt trong các đới laterrit thường khoảng 40\%.

Theo ông Phan Thế Xê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đông, khoảng năm 2013, trên địa bàn xã Quảng Phú cũng đã xuất hiện một số người vào khu vực đồi núi thôn Phú Mậu để khai thác quặng, nhưng do những người này khai thác nguồn quặng lộ thiên nên chính quyền địa phương không xử lí.

Ông Xê cũng nhận định, có thể quá trình khai thác quặng lộ thiên trước đây, một số đối tượng phát hiện nguồn quặng sắt còn lại nằm sâu dưới đất nên đã cùng với một vài doanh nghiêp tại Huế tìm cách mua lại đất trồng cao su của ba hộ dân trên để tiến hành khai thác quặng chui.

“Dự đoán là Trung Quốc chi tiền để những người này làm”, ông Xê nhận định.

Nhận định của ông Phan Thế Xê, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Đông về việc “Trung Quốc chi tiền cho những người này làm” không phải không có cơ sở.

Cũng theo ông Phan Thế Xê, phòng TN&MT huyện sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất đồi trồng cao su của các hộ ông Đào Sanh, Phan Cư, Nguyễn Nam vì những hộ này đã sử dụng đất sai mục đích.

Thông tin thêm với PV, một cán bộ Công an huyện Nam Đông cho biết, hoạt động khai thác quặng trái phép do ông Nguyễn Đức Học (trú tại TP Huế) thực hiện trên phần diện tích đất của ba hộ Đào Sanh, Phan Cư, Nguyễn Nam. Giữa những người này đã có kí với nhau hợp đồng cải tạo đất.

Tuy nhiên, vị cán bộ này cho biết, theo hợp đồng, lẽ ra các hộ Đào Sanh, Phan Cư, Nguyễn Nam phải trả tiền thuê cải tạo đất cho ông Học và nhóm người này nhưng trên thực tế, ông Học đã trả cho ba hộ này một trăm triệu đồng để đền bù cây và hỗ trợ về đất.

Từ những điều này có thể nhận khẳng định thêm lần nữa, việc cải tạo đất chỉ là cái cớ và mục đích cuối cùng của nhóm người trên là để khai thác quặng trái phép. Và, điều đó càng thêm khẳng định, nghi vấn “Trung Quốc chi tiền để thuê những người này làm” là hoàn toàn có cơ sở.

Tin nổi bật