Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Buông lỏng quản lý trong khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn

(DS&PL) -

Bắc Kạn có nhiều loại khoáng sản, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian gần đây, do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên doanh nghiệp "tự tung tự tác".

Bắc Kạn là địa bàn có nhiều loại khoáng sản, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nương nhẹ khi xử lý vi phạm nên doanh nghiệp “tự tung, tự tác”. Hậu quả là tài nguyên bị thất thoát, Nhà nước thất thu ngân sách, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường.
Vi phạm mang tính hệ thống
Mỏ Nà Diếu rộng gần 19ha trên địa bàn xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, được tỉnh Bắc Kạn cấp phép cho Công ty TNHH Hoàng Ngân khai thác quặng chì – kẽm kèm theo khoáng sản vàng. Tuy nhiên, đến khu vực mỏ, chúng tôi thấy hầu như doanh nghiệp không đầu tư cho việc khai thác quặng chì – kẽm mà chủ yếu đầu tư khai thác vàng, với phương pháp thủ công, trang thiết bị thô sơ.
Tại bể ngâm ủ quặng chì – kẽm trong xianua để tách lấy vàng được xây dựng thô sơ, dùng bao đất xếp thành bờ chung quanh trên lưng chừng núi. Người dân thôn Nà Diếu bức xúc vì hóa chất chảy ra nguồn nước. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường bất ngờ kiểm tra, xử phạt công ty này 60 triệu đồng vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, ngang nhiên xây dựng thêm một bể ngâm hóa chất lớn, ngay phía dưới là nguồn nước phục vụ canh tác của nhân dân. Việc hạng mục này được xây dựng không có trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty. Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ngân Triệu Thị Nga thản nhiên cho biết: “Bể ngâm hóa chất…“thử nghiệm” nên chúng tôi chưa báo cáo cơ quan chức năng”.
Hoạt động từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Hoàng Ngân mới nộp các khoản tiền thuê đất, thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách được 485 triệu đồng, hiện còn nợ thuế gần 1 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện Na Rì có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi và tận thu vàng sa khoáng tại 3 mỏ thì thời gian qua, cả 3 doanh nghiệp đều vi phạm các quy định về khai thác ngoài chỉ giới mỏ được cấp phép, khai thác không đúng với đề án, gây sạt lở bờ sông, mỗi doanh nghiệp bị xử phạt hai lần.
Điển hình là Công ty TNHH Long Phúc được cấp phép khai thác cát, sỏi và vàng tại mỏ Nà Khon dưới lòng sông Bắc Giang thuộc địa bàn xã Lương Thành không tuân thủ bất kỳ một quy định nào theo Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường. Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đến mỏ Nà Khon giám sát việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản, mặc dù đã gửi công văn thông báo làm việc cả chục ngày trước đó, nhưng đến mỏ thì Giám đốc Công ty TNHH Long Phúc Lục Thế Vân không có mặt. Không có giám đốc điều hành mỏ nên không làm việc được. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh khẳng định: “Chủ doanh nghiệp cố tình né tránh sự giám sát, coi thường kỷ cương pháp luật; thời gian vừa qua khai thác ngoài chỉ giới, gây sạt lở đất canh tác của dân, khai thác không đúng đề án được phê duyệt là vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Công ty TNHH Long Phúc khai thác vượt chỉ giới tại mỏ Nà Khon. Ảnh: T.B
Buông lỏng quản lý
Ba doanh nghiệp khai thác cát, sỏi kèm theo khoáng sản vàng trên địa bàn huyện Na Rì nêu trên vi phạm quy định mang tính hệ thống và nhiều lần. Người dân địa phương phát hiện, khi được thông báo thì cơ quan chức năng mới đến lập biên bản, thể hiện sự buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, giám sát. Sau mỗi lần sai phạm thì cả 3 doanh nghiệp chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ một thời gian rồi lại… tiếp tục hoạt động và lại sai phạm. Việc xử lý vi phạm của các cấp, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh không thống nhất, thậm chí nương nhẹ.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Na Rì lập biên bản Công ty TNHH Long Phúc vi phạm khai thác ngoài chỉ giới, gây sạt lở đất sản xuất của nhân dân, ảnh hưởng môi trường, khai thác không đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn lại chỉ xử phạt với sai phạm gây sạt lở, bỏ qua vi phạm khai thác ngoài chỉ giới. Chủ tịch UBND huyện Na Rì Nguyễn Hữu Thắng bức xúc: “Sở Tư pháp khẳng định, khai thác ngoài chỉ giới là xử phạt, nhưng quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường là khai thác ngoài phạm vi mỏ trên 10\% diện tích thì mới xử phạt được doanh nghiệp”.
Tình trạng chuyển nhượng, mua bán quyền khai thác khoáng sản chui trên địa bàn diễn ra khá phổ biến. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Dương Quang Sơn cho biết: “Nhiều doanh nghiệp được cấp mỏ, sau đó sang nhượng quyền khai thác trái phép mà cơ quan quản lý không biết, hoặc có biết nhưng đến nay không xử lý”. Cán bộ địa chính xã Lương Thành, huyện Na Rì Hoàng Văn Vi khẳng định: “Công ty TNHH Long Phúc do một người tên là Hoàng Văn Sâng, ở xã Kim Lư, huyện Na Rì và một số người khác ở Lạng Sơn đứng tên xin cấp phép mỏ Nà Khon. Nhưng thực tế, những người này đã bán lại cho đối tượng khác khai thác, đến ông Lục Thế Vân đã là người thứ ba rồi”. Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Trần Đình Thất cho biết: “Sau khi được cấp phép, đến nay các mỏ Cốc Lót, Cốc Chặng đã được bán chui cho cá nhân khác, dẫn đến tình trạng tranh chấp, đánh nhau gây thương tích, phá hủy tài sản gây mất an ninh trật tự. Được cấp phép từ năm 2011, nhưng đến nay, đơn vị khai thác mỏ Cốc Lót chưa nộp được đồng thuế nào cho Nhà nước, số nợ lên đến 3,9 tỷ đồng. Tới đây, mỏ hết hạn khai thác mà chúng tôi không biết chủ khai thác là ai, ở đâu nên chắc chắn ngân sách sẽ không thu được”. Huyện Ngân Sơn có 8 mỏ khai thác quặng chì – kẽm đều nợ thuế với tổng số hơn 12 tỷ đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản của doanh nghiệp lại chủ yếu phó thác cho chính quyền cấp xã, cấp huyện với việc xử phạt “nhẹ hều” nên không có tính răn đe.
Chủ tịch UBND hai huyện Ngân Sơn và Na Rì đều kiến nghị: Những doanh nghiệp khai thác khoáng sản chây ỳ nộp thuế thì phải truy tố trước pháp luật, rút giấy phép khai thác nếu vi phạm nghiêm trọng về môi trường, khai thác vượt công suất, ngoài chỉ giới. Thay vì doanh nghiệp tự thăm dò như hiện nay thì Nhà nước đứng ra thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản để đấu giá, đấu thầu quyền khai thác đối với tất cả mỏ khoáng sản, kể cả mỏ nhỏ lẻ phân tán nhằm chống thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước.

Tin nổi bật