(ĐSPL) - Người dân địa phương đã tố cáo với phóng viên báo Đời sống & Pháp luật tại miền Trung: Bản Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang có sự “bảo kê” cho doanh nghiệp tự do khai thác khoáng sản quý hiếm trái phép. Theo đó, đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn từ khi tình trạng này xảy ra. Nhiều cán bộ tỏ ra bất bình, bức xúc nhưng người có trách nhiệm lại trả lời vòng vo, phó thác: “Chúng tôi đưa biết điều này (khai thác khoáng sản hiếm – PV)”.
Dọc theo tuyến đường 507, ngược dốc đèo về phía Tây, cách trung tâm huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) hơn 60km, chúng tôi tìm về bản Chiềng, xã Bát Mọt. Đây là một xã vùng cao biên giới, giáp ranh tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Con đường lên vùng biên gập ghềnh. Những ổ voi, ổ gà… đã minh chứng cho sự tàn phá thiên nhiên, khoáng sản và hệ thống giao thông của những chiếc xe tải chở khoáng sản hiếm tại khu vực này.
|
Diện tích đất bị khai thác nham nhở
|
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã “đột kích” đến điểm mỏ thuộc Bản Chiềng. Tại đây, giữa cái nắng gắt, những chiếc máy xúc vẫn “hì hục” đào bới hết công suất. Điều đầu tiên xuất hiện trước mắt chúng tôi là những khu đất ở hai ven đường thôn Bản Chiềng đã bị khai thác nham nhở. Cấy cối ngả nghiêng, trơ trọi.
Bát Mọt là một xã thuộc vùng biên giới, có lực lượng của bộ đội biên phòng (đồn Biên Phòng Bát Mọt) quản lý, canh gác. Với thế trận an ninh như vậy, nhưng không hiểu sao doanh nghiệp nọ vẫn ngang nhiên hoạt động, thay đổi hiện trạng cả một vùng đất. Theo như phản ánh của người dân, đã gần 1 năm nay, hệ thống máy móc, cơ giới vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép mà không có sự can thiệp từ phía chính quyền.
|
Phương tiện máy móc ngang nhiên hoạt động, đào bới hết công suất
|
Chị Lò Thị.T., trú tại Bản Chiền bức xúc nói: “
Từ ngày họ vào hoạt động khai thác tại đây, đã gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân địa phương. Ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề đường sá, nguồn nước sạch. Xe ô tô lớn chạy nhiều, làm đường bị hỏng nhanh lắm. Khi trời mưa, người dân ở đây bị cô lập, vì đường trơn trượt, lầy lội không thể đi ra ngoài. Lúc trời nắng, bụi mù mịt luôn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nhiều vô kể”.
|
Xe ô tô trọng tải lớn chờ sẵn để vận chuyển
|
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở những khu vực đang bị khai thác khoáng sản, chủ yếu là là đất rừng mà nhà nước đã bàn giao cho nhân dân tái sinh, sản xuất. Vào năm 2012, doanh nghiệp có tên là Tấn Phát đã đến địa phương mua lại đất rừng này của người dân địa phương. Họ nói mua là để trồng nguyên liệu chè nên nhiều người dân đã đồng ý bán lại với giá 100 - 300 triệu đồng/ha.
Nhưng đến đầu năm 2014, doanh nghiệp này bắt đầu cho máy móc phá đất, phá rừng lấy khoáng sản để tập kết, chở đi nơi khác. Phần đất cát thô thải ra, san lấp hết cả ruộng sản xuất của dân. “Khi thấy việc làm bất thường này, người dân đã có sự phản đối, kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Các cơ quan chức năng có đến kiểm tra nhưng không có giải pháp ngăn chặn và xử lý”. Một người dân bức xúc cho chúng tôi biết như vậy. Người dân cũng đặt ra câu hỏi, liệu có sự bảo kê nào ở đây hay không?
|
Khoáng sản hiếm chính xác là gì? Đó là câu hỏi người dân địa phương muốn được làm rõ
|
Trước việc nghi vấn có sự “bảo kê” nên nhiều cán bộ địa phương đã rất dè dặt; một số đề nghị xin dấu tên khi cung cấp thông tin cho chúng tôi. Một cán bộ lãnh đạo huyện Thường Xuân cho hay: “
Đây là hoạt động khai thác trái phép, không thông qua sự cho phép của chính quyền huyện. Hoạt động này diễn ra ngay tại địa phận biên giới, nó không chỉ ảnh hưởng tới trật tự an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống an sinh của nhân dân, làm thu hẹp đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, gây thất thoát nguồn tài nguyên”.
Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa có văn bản về việc bàn giao cho Công ty Anh Phát thăm dò để đánh giá trữ lượng khoáng sản tại xã Bát Mọt. Cái này tỉnh cũng đã có văn bản gửi ra ngoài bộ và đang làm mọi quy trình thủ tục nhưng chưa xong. Còn chuyện doanh nghiệp đó có khai thác hay không thì chúng tôi chưa nắm rõ”(!?).
Nhiều người còn muốn biết, khoáng sản hiếm trên thuộc loại gì (vàng, quặng, đất hiếm…), mà doanh nghiệp đã bất chấp quy định của pháp luật để khai thác như vậy?
Chúng tôi đang tiếp tục điều tra những vấn đề xung quanh vụ việc.
(Còn nữa)