(ĐSPL) - Liên quan đến án oan của người tù thế kỷ - Huỳnh Văn Nén, TAND tỉnh Bình Thuận không yêu cầu ông Nén phải cung cấp đầy đủ hóa đơn.
Tin tức đăng tải trên báo Dân trí cho hay, TAND tỉnh Bình Thuận không yêu cầu ông Nén phải đảm bảo có đầy đủ tất cả các chứng cứ, hóa đơn, liệt kê từng thời gian, từng sự việc để chứng minh các thiệt hại trong quá trình đi kêu oan nhưng phải cung cấp được những giấy tờ, tài liệu tối thiểu mà ông hiện có để việc thương lượng được xúc tiến một cách thuận lợi.
Đại diện TAND tỉnh Bình Thuận khẳng định không buộc ông Nén phải cung cấp tất cả hóa đơn, chứng từ - Ảnh: báo Dân trí |
Gỡ “nút thắt” trong việc bồi thường cho ông Nén
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường của “người tù thế kỷ”, TAND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc đầu tiên Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vào ngày 26/4. Bà Trần Thị Thiên Hương, Phó chánh tòa hành chính thay mặt cho TAND tỉnh Bình Thuận là người trực tiếp thụ lý đơn yêu cầu bồi thường và làm việc với ông Nén, ông Nguyễn Thận (người được ông Nén ủy quyền), Luật sư Phạm Công Út (thay mặt cho nhóm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nén) và bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén).
Sau một ngày làm việc, “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén đã chứng minh được các chi phí hợp lý mà pháp luật qui định cho một người bị hàm oan gần 18 năm trong vòng lao lý.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường 15 năm 5 tháng 5 ngày thời gian ông Nén thi hành án (bị bắt giam từ 17/5/1998) và 36 ngày được tại ngoại (22/10/2015 - 28/11/2015). Đối với khung hình phạt 2 năm tù giam tội "Cố ý hủy hoại tài sản" theo bản án số 96/ST-HS ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Nén đã làm đơn gửi Viện KSND tối cao ngày 07/3/2016 đề nghị Giám đốc thẩm vì Nén cũng bị oan sai với tội danh này, đến nay ông Nén vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của VKSND Tối cao.
“Việc TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận thụ lý đơn và trao thông báo thụ lý đơn yêu cầu bổi thường là một trong những bước đi quan trọng để cả hai bên chính thức bắt đầu bước vào vòng thương lượng bồi thường. Sự chân thành của vị thẩm phán, trong quá trình đối thoại dù có những lúc cả hai cần phải tranh luận nhưng vẫn giữ được hòa khí để có kết quả mà cà hai đều cảm thấy hài lòng” – Ông Nguyễn Thận (người được ông Nén ủy quyền) chia sẻ.
Không yêu cầu ông Nén cung cấp tất cả hóa đơn
Trước thời điểm ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận có buổi làm việc đầu tiên, “người tù thế kỷ” đã có tường trình gửi đến cơ quan này với nội dung cung cấp chứng cứ và hóa đơn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ông Nén cho rằng, bản thân ông là một công dân như bao người khác, bị vướng vào vòng lao lý là điều không ai mong muốn cho cuộc đời mình. Khi bị ngồi tù oan, người nhà ông Nén đã phải bán đất, bán tài sản chỉ với niềm tin mãnh liệt là kêu oan cho ông mà không bao giờ lường trước được việc phải giữ hóa đơn chứng từ mua bán ngần ấy năm để sau này nộp cho cơ quan chức năng khi được giải oan như bây giờ.
“Thầy tôi (ông Nguyễn Thận) và cha tôi (ông Huỳnh Văn Truyện) bôn ba gần như khắp đất nước này bao nhiêu năm trời. Mỗi lần đi như vậy phải tính bao nhiêu là đủ? Hóa đơn do cơ quan nào cấp? phương pháp tính toán nào sẽ xác định cho chúng tôi một cách công bằng” – Ông Nén viết trong đơn.
Bên cạnh đó, “người tù thế kỷ” cho rằng: “Tôi ngồi tù oan, bị nhục hình, bị tra tấn, con cái cũng vì hệ lụy này mà bị kỳ thị, xa lánh, không được giáo dục đến nơi đến chốn, phải vướng vào tù tội. Có ai cung cấp hóa đơn cho những nỗi đau này không? Vợ con tôi tốn nhiều tiền bạc, tài sản để thăm hỏi động viên tôi trong những ngày bị tù oan, cơ quan nào cấp hóa đơn cho mỗi lần đi thăm nuôi ấy là bao nhiêu? Tôi ngồi tù oan, bị nhục hình, bị tra tấn, con cái cũng vì hệ lụy này mà bị kỳ thị, xa lánh, không được giáo dục đến nơi đến chốn, phải vướng vào tù tội. Có ai cung cấp hóa đơn cho những nỗi đau này không?” – Ông Nén trình bày.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Nén, những thiệt hại này đánh đổi bằng danh dự, nhân phẩm, tài sản vật chất, tinh thần của cả một dòng họ, cả ba thế hệ trong gia đình thì làm sao có hóa đơn cho điều đó? Có ai dám đánh đổi cả đời mình, đời cha mình và hệ lụy với cả hệ lụy gia đình vợ để nhận khoản tiền đền bù này?
Trước thông tin này, Tòa Bình Thuận khẳng định không yêu cầu ông Huỳnh Văn Nén phải đảm bảo có đầy đủ tất cả các chứng cứ, hóa đơn, liệt kê cụ thể từng thời gian từng sự việc để chứng minh các thiệt hại trong quá trình đi kêu oan nhưng ít ra ông Nén cũng phải cung cấp được những giấy tờ, tài liệu tối thiểu mà ông hiện có để việc thương lượng được xúc tiến một cách thuận lợi.
Như báo Vnexpress đã thông tin trước đó, ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm ngoái, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Ngay khi được minh oan, ông đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ. Trong đó chỉ rõ điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đến thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận làm việc với ông Truyện, 8 người trong gia đình vợ ông Nén và với anh Nguyễn Phúc Thành – người có đơn từ trong trại giam tố cáo hung thủ thật sự giết bà Bông chứ không phải ông Nén.
HẠNH VŨ (Tổng hợp)