Tại phần tranh luận, các luật sư có viện dẫn Văn bản số 1960/BGTVT-CQLXD ngày 11/3/2021 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: “Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện đề nghị của Bộ Công an về lập dự án sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để có cơ sở xác định giá trị thiệt hại”.
Các bị cáo liên quan vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Từ chỉ đạo này của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu VEC và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc thành lập Tổ giám định xây dựng để xác định nguyên nhân hư hỏng, xác định lại thiệt hại của vụ án một cách chính xác.
Theo đó, sau khi thẩm định lại, ngày 31/8/2021, VEC đã có báo cáo số 1697/CV-VEC báo cáo cuối kỳ về kết quả kiểm định và phương án sửa chữa khắc phục một số hư hỏng, tồn tại của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Theo báo cáo này của VEC thì giá trị khái toán sửa chữa, khắc phục hư hỏng là khoảng 51.522.464.000 đồng theo đơn giá hợp đồng, còn theo đơn giá quy về mặt bằng giá thời điểm hiện tại thì giá trị khái toán sửa chữa khăc phục là 72.492.108.000 đồng. Như vậy, từ cơ sở này, Luật sư Lê Cao (Công ty Luật hợp Danh FDVN), người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án đã có ý kiến cần xem xét lại vấn đề thiệt hại của vụ án trên con số khái toán chi phí khắc phục, sửa chữa theo báo cáo nêu trên. Điều này thể hiện rõ việc xác định lại thiệt hại của vụ án một cách khách quan và có cơ sở theo khoa học pháp lý về xác định thiệt hại.
Trở lại với nội dung vụ án, kết luận điều tra và Cáo trạng quy trách nhiệm cho các bị cáo đã gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 811 tỷ đồng (con số được làm tròn), đây là số tiền đã thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu có sai phạm.
Thế nhưng, theo luật sư Lê Cao thì con số này chưa hợp lý, bởi lẽ theo Kết luận điều tra, Cáo trạng thì các bị cáo gây thiệt hại với số tiền cụ thể là 811 tỷ đồng đồng (là tiền thanh toán theo các hợp đồng cho các nhà thầu thi công), trong khi đó, theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Vì hành vi của các bị cáo liên quan đến việc “Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng” theo điểm b, khoản 1, Điều 224 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và bị truy tố theo khoản 3, do đó cần phải làm rõ bị cáo làm thiệt hại gì, tài sản đó là gì. Không thể dùng số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu đối với các gói thầu có vi phạm để cho rằng đó là thiệt hại của vụ án, bởi đoạn đường cao tốc này chỉ hư hỏng một số điểm cục bộ, không hư hỏng hết. Đường đưa vào sử dụng đến nay đã thu lợi về cho VEC trên 1.400 tỷ đồng, giải tỏa được ách tác giao thông đoạn qua địa bàn Đà Nẵng - Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế.
Nếu xác định đúng thiệt hại thì phải xác định phần đường nào bị hư hỏng để tính thiệt hại, theo văn bản số 1697/CV-VEC ngày 31/8/2021 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) được các bị cáo cung cấp tại phiên tòa thì tổng giá trị hư hỏng khoảng 51 tỷ đồng theo đơn giá hợp đồng (còn quy về mặt bằng giá tại thời điểm hiện nay thì khoảng 72 tỷ đồng). Như vậy, con số thiệt hại thực tế thấp hơn nhiều so với con số thiệt hại được tính là số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu. Bởi lẽ, hoàn toàn không có chuyện đường bị hư hỏng toàn bộ hết tất cả giá trị thanh toán như vậy.
Theo Luật sư Lê Cao, cần phải xác định lại thiệt hại theo hướng xác định giá trị công trình bị hư hỏng tại các gói thầu của Dự án hoặc giá trị chi phí hợp lý để khắc phục cho thiệt hại đó. Con số thiệt hại phải được định lượng bằng trị giá tài sản bị hư hỏng, thiệt hại một cách thực tế. Số tiền thỏa thuận hợp đồng, thanh toán cho các nhà thầu không thể xem là thiệt hại của Dự án, bởi lẽ nếu lấy ý chí, sự thỏa thuận thanh toán giữa các bên để xác định thiệt hại thì đó là vấn đề quy trách nhiệm pháp lý về vấn đề dân sự trong khi xác định trách nhiệm pháp lý cho vấn đề hình sự. Ví dụ, VEC có thể chi trả thấp hơn, cao hơn tùy sự tùy nghi, ý chí của VEC cho các gói thầu trong các dự án, như vậy trách nhiệm của các bị cáo không thể bị điều chỉnh tăng giảm theo ý chí của VEC. Chẳng hạn, cùng tuyến đường bị hư hỏng nhiều hơn con số 51 tỷ đồng, nhưng chỉ vì chưa thanh toán cho các nhà thầu bất kỳ đồng nào thì Dự án được xem là không có thiệt hại có được không? Bởi lấy căn cứ số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu làm cơ sở xác định thiệt hại thì sẽ dẫn đến hệ lụy như vậy.
Luật sư Lê Cao – công ty Luật FDVN (đoàn Luật sư TP Đà Nẵng).
Ngoài ra, công trình hư hỏng thì vẫn luôn có điều khoản bảo hành công trình theo Hợp đồng ký với các Nhà thầu và điều khoản bảo hành các Hợp đồng hiện nay vẫn còn hiệu lực. Hiện nay, VEC đang giữ số tiền bảo hành công trình của các Nhà thầu, do đó do đó, cần khấu trừ các số tiền này trong phần bồi thường thiệt hại. Cũng theo thống kê của VEC thì còn một lượng lớn giá trị sản lượng đã thi công hoàn thành thực tế tại hiện trường nhưng đến nay chưa được Chủ đầu tư thanh toán. Do đó, cần có xử xác định lại vấn đề thiệt hại một cách rõ ràng mới có thể xác định trách nhiệm pháp lý đúng cho các bị cáo.
Luật sư Lê Cao cũng cho rằng, nếu lấy số tiền đã thanh toán cho các Nhà thầu làm con số thiệt hại của vụ án, thì giả sử có một số gói thầu khác ở giai đoạn khác của Dự án, cũng có những hư hỏng, sai phạm nhưng chưa có việc thanh toán cho các Nhà thầu, thì có xác định được thiệt hại không, khi đó giá trị thiệt hại phải dựa vào đâu, hay chắc chắn là phải định giá thiệt hại theo giá trị hư hỏng hoặc giá trị để khắc phục hư hỏng. Nếu vụ án này dùng giá trị đã thanh toán cho các nhà thầu tại các gói thầu sai phạm có thể tạo ra một tiền lệ xác định giá trị thiệt hại không đúng quy định pháp luật và có thể gây ra những hệ lụy pháp lý không lường được nếu áp dụng các quy định đó vào thực tế giải quyết các vụ án.
Tại phần tranh luận đối đáp với đại diện Viện kiểm sát vào chiều ngày 1/12/2021, các luật sư tiếp tục đặt ra yêu cầu cần cẩn trọng xem xét lại thiệt hại của vụ án, nếu không với cách xác định thiệt hại như hiện nay các bị cáo đang bị đề nghị một mức án rất cao so với sai phạm mà họ đáng bị xử lý.
Theo các luật sư, con đường Cao tốc - Đà Nẵng có bị hư hỏng và các bị cáo đã nhận lỗi, nhưng thực tế con đường này được hoàn thành trong thời gian đòi hỏi cấp bách, áp lực về việc hoàn thành đưa vào sử dụng với thời gian ngắn, hiện khai thác thương mại mỗi ngày mang lại giá trị gần 2 tỷ đồng mỗi ngày, lợi ích kinh tế, xã hội cho nhà nước là rất lớn khi giải phóng được ách tắc giao thông qua Quốc lộ 1 đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hơn nữa số tiền thu lại đạt hiệu quả kinh tế cao.
Do đó, với con số thiệt hại ở một số điểm hư hỏng, nhưng vì đường được quan tâm, dù đang trong thời hạn bảo hành sửa chữa, các hư hỏng đó cần được nhìn nhận đánh giá một cách khách quan để đảm bảo các bị cáo được đánh giá mức độ chịu trách nhiệm pháp lý phù hợp.
Theo kết luận điều tra, Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ thành phố Đà Nẵng tới thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), giai đoạn 2 dài hơn 74km. Dự án được khởi công năm 2013 và từ năm 2017 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018, thông xe giai đoạn 2. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, trên đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã vào cuộc làm rõ. Theo kết luận, dự án này là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, với hơn 34.500 tỷ đồng. Trong quá trình thi công cả chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng. |
Thuận Nguyễn