Liên quan đến vụ người dân bị bỏng nặng khi lội qua mương ở Hải Phòng, theo luật sư, đối tượng đổ chất thải nguy hại xuống nước có thể đối diện với mức án 7 năm tù giam.
Như đã đưa tin trước đó, theo báo cáo của UBDN huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) do Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Khắc Tiến ký, trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 7/5, có đối tượng đổ trộm chất thải xuống kênh ven quốc lộ 10 tại xã Hưng Nhân trên địa bàn huyện.
Đến ngày 9/5, bà Lê Thị Lan, 50 tuổi, trú tại thôn Kênh Trạch, xã Hưng Nhân đã lội vào vùng có chất thải này ở Km 57+300 để câu cáy. Khi về nhà, bà Lan có biểu hiện bị sốt cao, cơ thể nóng rát, châm thâm đen, co giật, người nhà đưa vào Bệnh viện huyện Vĩnh Bảo cấp cứu, sau đó được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Kiến An điều trị.
Đôi chân bà Lê Thị Lan bị bỏng hóa chất sau khi lội qua mương nước. Ảnh: Lao Động |
Sau khi nhận được tin báo, đoàn kiểm tra của huyện gồm các cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường, công an, y tế đến hiện trường kiểm tra. Kết quả phát hiện, trên địa bàn xã Hưng Nhân có 3 địa điểm bị đổ trộm chất thải gồm: Hai điểm ở bên trái và 1 điểm ở bên phải quốc lộ 10, điểm lớn nhất là kênh chính dài 80 m, rộng 12m.
Đồng thời, UBND huyện Vĩnh Bảo đã thông báo trên loa truyền thanh xã Hưng Nhân để bà con tránh đi vào khu vực chất thải độc hại, khoanh vùng đóng cọc, đặt biển cảnh báo; lẫy mẫu để quan trắc, đồng thời tổ chức thu gom chất thải, điều tra làm rõ đối tượng xả thải để xử lý theo quy định.
Trao đổi trên VnExpress, ông Đoàn Văn Khải, Phó công an xã Hưng Nhân cho hay, sau khi nhận được phản ánh của gia đình bà Lan, công an xã đã kiểm tra hiện trường, báo cáo các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Bảo.
"Khu vực gần mương nước không có nhà máy, xí nghiệp và không có nhà dân ở. Các dấu vết tại hiện trường cho thấy đây là vụ đổ trộm chất thải nguy hại", ông Khải nhận định.
Hiện Công an huyện Vĩnh Bảo đang phối hợp với Công an TP. Hải Phòng để điều tra đối tượng đổ trộm chất thải nguy hại, xử lý theo quy định.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Lê Kiên- Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, với hành vi đổ chất thải nguy hại xuống nước gây hiệu quả nghiêm trọng có thể xử phạt theo hai trường hợp, tùy thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra.
Cụ thể, Điều 23 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính Phủ quy định: "Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại: Hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau: h ) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại.
Còn trong trường hợp nếu đủ điều kiện về xử lý hình sự thì người đổ chất thải nguy hại ra môi trường sẽ bị xử lý về tội "Gây ô nhiễm môi trường" quy định tại Điều 235 BLHS. Cụ thể, khoản 2 điều này quy định: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên; Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên; Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14; Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép".
Mương nước nhiễm chất độc hại được cắm biển cảnh báo. Ảnh: VnExpress |
Theo ông Nguyễn Bá Cường, chủ một công ty chuyên thu gom, xử lý chất thải độc hại cho biết PV VnExpress biết, số nước thải và bùn đất nhiễm hóa chất khoảng 300 tấn. Tuy nhiên, sau khi thu gom được khoảng 50 m3 nước thải và bùn đất (tương đương 80 tấn), doanh nghiệp không thấy chính quyền huyện Vĩnh Bảo hay xã Hưng Nhân đề cập đến việc ký kết hợp đồng thu gom cũng như trách nhiệm thanh toán. "Chất thải đổ trộm trong mương nước là axit đậm đặc cực độc, còn lớp váng đen nổi phía trên bề mặt là dầu nhớt thải. Kinh phí để xử lý một tấn chất thải độc hại này vào khoảng 8 triệu đồng", ông Cường nói. Hiện TP. Hải Phòng đã giao Sở Tài chính xem xét về mức giá để tiếp tục việc nạo vét. |
Nguyễn Phượng