Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ bệnh viện trao nhầm con: Chuyên gia tâm lý tiết lộ thời điểm thích hợp nhận con

(DS&PL) -

Theo chuyên gia tâm lý, đối với vụ việc trao nhầm trẻ, người lớn phải gửi thông điệp đến cho trẻ rằng sự nhầm lẫn sẽ cho con có thêm những sự quan tâm, thêm một mái ấm.

Theo chuyên gia tâm lý, đối với vụ việc trao nhầm trẻ, người lớn phải gửi thông điệp đến cho trẻ rằng sự nhầm lẫn sẽ cho con có thêm những sự quan tâm, thêm một mái ấm, chứ không phải bị cướp mất tình cảm bấy lâu nay với những người cha mẹ nuôi đã gắn bó.

Cần có một quá trình tư vấn tâm lý cho 2 bé trai

Liên quan đến vụ trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội), trả lời báo Tri thức Trực tuyến, PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, việc phát hiện nhầm lẫn, sau đó là sự đổi trả có gây ra sang chấn tâm lý đối với 2 đứa trẻ hay không sẽ phụ thuộc vào tính cách của từng bé, tình cảm gắn bó với gia đình đã nuôi dưỡng trẻ lâu nay, mức độ hòa nhập với môi trường mới, thái độ và cách thức ứng xử của người lớn khi giải quyết sự kiện này. Theo đó, những tác động này sẽ dẫn đến việc trẻ thích ứng tốt hay có hành vi chống đối.

Vì vậy trước khi về với bố mẹ đẻ của mình, các bé trai cần có một quá trình tư vấn tâm lý. Những nhà tâm lý sẽ cần tiếp cận với các bên để hiểu quan điểm và lường được những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ và các anh chị em. Từ đó, chúng sẽ tìm ra các giải pháp tối ưu được thống nhất và đồng thuận của các bên trước khi tiến hành trao - nhận con.

Ông Nam cho rằng, người lớn cần phải gửi thông điệp đến cho trẻ rằng sự nhầm lẫn không ai mong muốn này sẽ cho con có thêm những sự quan tâm, thêm một mái ấm, chứ không phải bị cướp mất tình cảm bấy lâu nay với những người cha mẹ nuôi đã gắn bó. Con sẽ có một “gia đình” to hơn so với trước đây, với nhiều tình yêu thương.

Chị Hương và cháu M. Ảnh: Khám phá

Theo ông Nam, cách cư xử của người lớn mang tính quyết định thái độ của con khi đối mặt với môi trường mới. Vì vậy, người lớn cũng nghĩ theo chiều hướng tích cực, họ không chỉ có một người con mà thêm một người con nữa, thêm yêu thương, thêm sự nương tựa.

“Nếu các bố mẹ thay đổi cách nhìn và cởi mở chấp nhận sự việc, hai bé sẽ nhận thấy năng lượng tích cực và cũng dễ dàng chấp nhận sự thật này hơn. Con có hành vi chống đối, bị tổn thương tâm lý hay không phụ thuộc vào thái độ và hành vi ứng xử của người lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Người mẹ vụ trao nhầm con cần thời gian

Chia sẻ với báo chí, anh Vũ Tiến Phương (SN 1980, anh trai chị Hương) cho biết, ngày 1/11/2012, chị Hương hạ sinh con trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì và đặt tên cháu là Đoàn Nhật M. Thời gian đầu khi cháu M. chào đời, vợ chồng chị Hương sống rất hòa thuận, hạnh phúc và làm ăn tốt. Thời điểm đó, chị Hương còn mở được trường mầm non tư thục để nhận trông trẻ.

Tuy nhiên, vào năm 2014, khi chị Hương sinh con thứ 2 và cháu bé càng lớn càng giống bố mẹ như đúc. Trong khi đó, bé M. thì lại không giống ai trong gia đình, M. đen nhẻm, còn mọi người trong nhà ai cũng trắng trẻo. Từ đó, chồng chị Hương nghi ngờ về sự đoan chính của vợ. Mâu thuẫn gia đình cứ thế một tăng dần, người chồng thậm chí còn đến cả trường của chị Hương dập phá đồ đạc. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, vào năm 2015 vợ chồng chị Hương đã ly hôn. 2 cháu bé được tòa chấp nhận cho sống cùng mẹ.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hương gửi lại con nhỏ cho anh trai chăm sóc và đưa M. đi thuê nhà trọ và dạy học tại một cơ sở mầm non ở Hà Nội.

Theo anh Phương, cháu M. rất ngoan và bám mẹ. Vào tháng 3/2018, sau khi biết được thông tin về việc bệnh viện trao nhầm con cách đây 6 năm trước, chị Hương vô cùng sốc. Từ đó đến nay, chị Hương đã gậy sọp đi, khiến những người thân ai thấy cũng xót xa.

Trong khi đó chị Vũ Thị Hương cũng khẳng định, không hề muốn gây khó dễ cho gia đình anh Sơn và phía bệnh viện, nhưng chị muốn có thêm thời gian. Chị Hương cho hay, thời điểm này giao nhận con là không hợp lý bởi sự việc quá bất ngờ, các cháu năm nay đã 6 tuổi, thời gian 6 năm chăm sóc, nuôi dưỡng và gắn bó chắc chắn không dễ gì để rời xa. Không chỉ bản thân người lớn, mà các con cũng vậy, vì thế chị nghĩ nên để các cháu đi lại, làm quen dần để có sự thích ứng.

Ngày 1/11/2012, chị Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) cùng hạ sinh được một bé trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Sau khi nhận con, chị Hiền và chồng là anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) giật mình vì thấy đứa trẻ được cuốn trong bộ tã lót lạ. Tuy nhiên, khi hỏi nữ y tá tại bệnh viện thì được trả lời không có sự nhầm lẫn. Từ đó đến nay, gia đình anh Sơn đã yêu thương, nuôi dưỡng bé trai như con đẻ của mình.

Tuy nhiên, khi cháu bé càng lớn càng có nhiều điểm không giống bố mẹ, nên mới đây vợ chồng anh Sơn đã quyết định cho cháu đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé trai và vợ chồng Sơn không cùng huyết thống.

Nhận được kết quả, gia đình anh Sơn rất sốc và tổn thương quá nhiều. Anh Sơn sau đó đã phản ánh sự việc lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và phía bệnh viện đã thừa nhận sai sót.

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã gặp gỡ hai gia đình chị Phùng Thị Thu Hiền và chị Vũ Thị Hương vào ngày 14/4/2018 và cả hai gia đình cùng thống nhất đưa hai trẻ đi kiểm tra ADN chéo.

Kết quả kiểm tra cho thấy, bé Phùng Thanh H.- con trai mà gia đình anh Sơn nuôi dưỡng là con đẻ của chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Còn bé Đoàn Nhật M.- con trai mà chị Hương nuôi dưỡng suốt bao năm qua là con đẻ của vợ chồng anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật