Ngày 10/7, tàu cá Bình Thuận BTh 97478 TS (công suất 310 CV, hành nghề vây rút chì) chở 15 ngư dân do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng đi từ vùng biển Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về lại cảng Phan Thiết thì bị mất liên lạc. Tàu bị sóng đánh chìm, 15 thuyền viên đã bỏ 2 thuyền thúng xuống biển, chia làm hai nhóm 7 và 8 người thoát thân.
Ngày 19/7, chiếc thúng chở nhóm 7 người được tàu cá Bình Định phát hiện, nhưng 3 người trong nhóm đã chết trước đó vì đói khát và thi thể họ được thả xuống biển. Đến ngày 21/7, 4 thuyền viên may mắn được cứu sống đã được tàu cá Bình Định đưa về cảng của Hải đoàn 32 - Vùng Cảnh sát biển 3 ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Trong khi đó, ngày 22/7 tàu Buffalo từ Ai Cập trên đường đi Trung Quốc đã phát hiện và cứu vớt thuyền thúng chở nhóm 8 người. Tuy nhiên, thời điểm này trên thuyền thúng chỉ còn 5 người sống sót.
Nhớ lại những ngày gặp nạn, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho biết, tàu cá ông có 15 người đánh bắt hải sản, trên đường trở về thì gặp sóng lớn đánh chìm. Sau đó, ông Toàn chia các thuyền viên thành 2 nhóm, lên 2 thuyền thúng. Một bên 7 thành viên, còn ông trên chiếc thúng có 8 người.
“Thời điểm chìm tàu xảy ra rất nhanh, anh em không ai mang theo lương thực, nước uống. Đứng trước sự lựa chọn sinh tử, tôi đã quyết định chia anh em lên 2 thuyền thúng sẽ có thêm cơ hội sống sót” - thuyền trưởng Bùi Văn Toàn kể lại.
Những ngày lênh đênh trên biển, thuyền thúng của ông Bùi Văn Toàn liên tục gặp vô vàn thử thách. Trong tình cảnh đói, khát họ đành uống nước biển để bớt khô họng.
Chia sẻ với PV báo Thanh Niên, anh Nguyễn Thành Luyến, 1 trong 4 thuyền viên sống sót trên thuyền thúng chở 7 người kể lại: “Tàu lật nhanh lắm. Sóng thì to, gió lớn. Trên tàu lại chở tới 10 tấn hải sản. Mọi người không kịp lấy gì, anh Toàn chủ tàu la lên, rồi mạnh ai nhảy xuống 2 thúng chai, thúng 8 người, còn lại thúng của tôi 7 người. Hai thúng bơi sát nhau suốt 5 - 6 ngày trên biển rồi mới bị lạc nhau”.
“Khi phát hiện có tàu cá nước ngoài, anh em chúng tôi mừng lắm. Cào chiếc thúng chai lại gần tàu họ, tôi và anh Tấn (ngư dân Hà Văn Tấn - PV) trèo lên tàu của họ để xin cứu nạn và giúp đỡ. Bất ngờ, một thuyền viên của họ nói gì đó, chỉ tay vào chân tôi, cầm con dao giơ lên. Ý họ là không cho lên tàu, bắt nhảy xuống, nếu không xuống sẽ chặt chân mình. Chúng tôi lao xuống biển với 1 thùng nước và gói bánh họ quăng theo. Lúc này thuyền thúng có anh Toàn (chủ tàu) và anh La (Nguyễn Thành La) đã trôi rất xa rồi. Chúng tôi động viên nhau, phải cố gắng bình tĩnh để cùng sống, tìm cơ hội có tàu khác đến cứu. Thế nhưng khát nước, đói, ngày thì nắng cháy, đêm thì lạnh. Lấy áo rách hứng nước mưa rồi nhỏ vào miệng nhau cho bớt khô họng, thậm chí uống cả nước biển. Nhưng rồi mọi người đều kiệt sức”, Luyến nhớ lại.
Suốt hành trình sinh tồn để trở về đất liền, các ngư dân đã phải đối mặt với vô số những khó khăn. Nhưng có lẽ đối với các ngư dân, những khó khăn đó không đáng sợ, không đau đớn bằng giây phút tiễn biệt những người thân, người "anh em" ở lại biển sâu.
Theo ông Toàn, sau nhiều ngày chống chọi với sóng lớn, đói khát, ba ngư dân trên thúng của ông lần lượt qua đời vì kiệt sức.
"Không gì đau đớn bằng khi chứng kiến anh em bạn thuyền không trụ nổi rồi chính mình phải thả thi thể anh em xuống biển. Thúng nhỏ quá, không thể giữ được thi thể anh em", thuyền trưởng Toàn nghẹn ngào kể, tờ Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Chia sẻ với PV báo Người lao động, ông Trần Theo nhớ lại: "Các anh em còn lại cũng băng bó, cột thi thể anh em lại. Nhiều người bật khóc khi tiễn đưa các anh xuống biển. Những người còn lại cố gắng cầm cự, uống nước biển, trời mưa thì hứng nước mưa để uống. Đến khoảng 13 giờ ngày 19/7, tàu Bình Định BĐ 96935 TS phát hiện và 4 người chúng tôi mới thực sự qua được tử thần".
Nghẹn ngào nhớ lại giây phút tiễn biệt chú ruột và anh trai ở lại biển cả, anh Luyến kể: “Đến ngày 16/7 thì chú Lương suy kiệt và mất lúc 4 giờ. Đến 6 giờ, khi đã hừng đông, chính anh hai tôi (Nguyễn Thành Lãng - PV) đã tự tay đưa chú xuống biển trước mắt tôi và mọi người. Tôi nhìn anh hai và chỉ khóc, không nói được gì”.
“Đến sáng hôm sau (17/7), cũng khoảng 7 giờ sáng thì anh Hạ (Nguyễn Văn Hạ - PV) cũng mất vì kiệt sức và cũng được thả xuống biển như chú tôi. Rồi đến ngày 18/7 anh hai tôi (Lãng - PV) không chịu nổi, cũng kiệt sức và ra đi ngay trên tay tôi. Chính tôi tận tay để anh xuống biển. Giây phút ấy, nhìn anh hai nằm lửng lơ trên biển, rồi xa dần, mắt tôi lòe đi. Tôi nghĩ trước sau gì mình cũng theo anh hai, không nay thì mai… ”, Luyến nghẹn lời.
Trong suốt hành trình cứu nạn 15 ngư dân Bình Thuận không thể không nhắc tới sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, tàu cá lân cận và cả các địa phương Nam Trung Bộ.
Theo báo Lao động, Đại tá Lã Văn Hùng - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân - nhấn mạnh, việc hỗ trợ ngư dân gặp nạn là nhiệm vụ, là mệnh lệnh từ trái tim, do đó khi ngư dân cần, lực lượng hải quân luôn nhanh chóng có mặt để hỗ trợ.
Được biết, trước đó ngay sau khi nhận được tin báo các ngư dân gặp nạn, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Sau khi nhận được tin tàu cá Bình Định phát hiện, cứu sống 4 ngư dân, tàu Cảnh sát biển (CSB) 7011, thuộc Hải đoàn 32 Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã nhanh chóng đến vị trí BĐ 96935 TS. Sau đó, tổ quân y của tàu CSGT 7011 đã sang tàu cá BĐ 96935 TS để cấp cứu, chăm sóc y tế, sức khỏe cho các ngư dân. Đồng thời cùng với tàu BĐ 96935 TS đưa các thuyền viên bị nạn về đất liền để cấp cứu.
Chiều 21/7, tàu CSB 7011 thuộc Hải đoàn 32 Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã đưa bốn ngư dân Bình Thuận bị nạn vào đất liền cấp cứu.
Ngày 22/7, Vùng 4 Hải quân nhận được thông tin từ Quân chủng Hải quân và Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực III về việc tàu vận tải nước ngoài BUFFALO đang trên hành trình từ Ai Cập đi Trung Quốc đã phát hiện và cứu được 5 ngư dân tàu cá BTh97478TS đang trôi dạt trên thuyền thúng tại vùng biển phía Tây Bắc đảo Song Tử Tây cách 90 hải lý.
Vùng 4 Hải quân đã lệnh cho Tàu 466 tiếp cận và tổ chức tiếp nhận 5 ngư dân để đưa vào bờ. Đến 20 giờ ngày 22/7, Tàu 466 đã tiếp cận tàu BUFFALO, tiếp nhận 5 ngư dân và đưa về Cam Ranh.
Nội dung: Hoàng Yên
Ảnh: Thanh Niên, Người lao động, Pháp luật TP.HCM
DOISONGPHAPLUAT.COM |