“Cốc mò cò xơi”
Nhận trợ giúp pháp lý cho nhiều đối tượng khách hàng, luật sư Nguyễn Kim Ngân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết cách đây không lâu có khách hàng tên Triệu Tiến Đ. (SN 1983, ở Thạch Thất, Hà Nội) đến trình bày sự việc của gia đình, mong luật sư giúp đỡ.
Theo luật sư Ngân, bố mẹ anh Đ. đi làm gạch tại Lạng Sơn từ những năm 2000 và đến năm 2007 họ đã tích cóp được một khoản tiền 300 triệu đồng để về quê dưỡng già.
Biết chuyện, người họ hàng tên Triệu Hoài N. (em con chú con bác với bố anh Đ.) ngỏ ý muốn vay số tiền này để mua nhà tại Hà Nội và hứa sẽ trả trong năm đó với lãi suất 2,5%/2 triệu trong 1 tháng.
(Ảnh minh họa).
Cũng vì nể họ hàng thân thích nên bố mẹ anh Đ. đã cho N. vay số tiền 300 triệu đồng, nhưng tới hẹn trả mà người họ hàng cứ khất lần. Anh Đ. kể với luật sư, vài lần thấy anh N. về quê, bố mẹ anh có giục về khoản nợ thì anh N. khất tới cuối năm, còn hứa rằng nếu không trả được sẽ bán nhà đi để trả nợ. Tuy nhiên hứa hẹn mãi mà tới nay N. vẫn không trả được đồng nào trong khi bố mẹ anh Đ. ngày càng già yếu, không biết trông vào khoản thu nhập nào ngoài số tiền đã tích cóp cho vay ngày ấy.
Luật sư Ngân vẫn còn nhớ ánh mắt đượm buồn của anh Đ. khi nhắc tới người mẹ bị bệnh vẩy nến đã hơn 20 năm nay. Mới đây, bố anh lại bị tai biến. Số tiền phải trang trải khi bố mẹ đi viện khá lớn nên anh Đ. phải vay mượn người thân và bạn bè. Giờ đây gia đình anh Đ. rất túng thiếu nhưng không biết làm thế nào để đòi lại được số tiền đã cho vay N. vay.
Bức xúc ở chỗ, trong khi anh Đ. không biết xoay đâu ra tiền để lo chữa trị, thuốc men cho bố mẹ thì N. vẫn khoe ảnh vợ con sống sung sướng trong ngôi nhà mới với nhiều đồ nội thất hiện đại, đắt tiền trên facebook. Không còn cách nào khác, anh Đ. buộc phải tìm đến luật sư cầu cứu.
Xử lý thế nào?
Với những thông tin ban đầu anh Đ. cung cấp, luật sư Nguyễn Kim Ngân nhận định: Việc anh N. vay tiền của bố mẹ anh Đ. có ý định không muốn trả chứ không phải không có điều kiện trả nợ. “Biết hoàn cảnh cuộc sống gia đình anh Đ. đang khó khăn như vậy mà bên vay không muốn trả thì rõ ràng họ có hành vi chiếm đoạt tài sản”, luật sư Ngân nói.
Luật sư Nguyễn Kim Ngân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
“Nhưng trước hết phía gia đình anh Đ. phải xác minh lại một lần nữa với anh N. để xem thái độ anh ta như thế nào. Anh N. có nhận là vay tiền của gia đình hay phủ nhận điều ấy. Nếu có việc vay mượn thì có giấy tờ gì chứng minh hoặc có người làm chứng không?”, luật sư Ngân nói với anh Đ.
Theo hướng dẫn của luật sư, nếu anh N. thừa nhận có việc vay tiền và thỏa thuận về lãi như trên, nhưng đến hạn chưa trả thì gia đình anh Đ. có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự yêu cầu anh N. trả nợ. Để khởi kiện, anh Đ. phải xem địa chỉ cư trú hiện tại của bên vay ở đâu thì nộp đơn lên tòa cấp huyện nơi bị đơn cư trú.
Còn trong trường hợp anh N. chối bỏ việc nợ tiền gia đình thì anh Đ. có thể gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” lên Viện kiểm sát và Cơ quan công an điều tra cấp huyện anh N. cư trú.
“Chiếu theo quy định của BLHS, với số tiền 300 triệu đồng vay của gia đình anh Đ. nhưng có ý định trây ỳ, muốn chiếm đoạt thì anh N. có thể bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại khoản 3, Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù.
Cụ thể, điều khoản này quy định: Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm”, luật sư Ngân cho hay.
T.V