Hội tụ nhiều lợi thế: thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Đánh giá về lợi thế của Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư tại Hội nghị kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản năm 2022 diễn ra mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Vĩnh Phúc là một trong số ít địa phương hội tụ đủ cả các lợi thế cứng và mềm. Cùng với thế mạnh về vị trí địa lý trung tâm thuận lợi, khí hậu ôn hòa, có nền địa chất tốt, Vĩnh Phúc còn có dân số trẻ với 55% nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đồng thời với sự hội tụ nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các địa phương lân cận nên Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi cho phát triển trong giai đoạn đầu.
Tỉnh cũng luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với sự vào cuộc trực tiếp của cả hệ thống chính trị và lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền trong việc nâng cao năng lực điều hành và cải thiện thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đây là những yếu tố rất quan trọng góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài sớm đến với Vĩnh Phúc ngay từ những ngày đầu, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan dẫn đoàn đại biểu đại diện các tập đoàn kinh tế lớn đến Vĩnh Phúc tìm hiểu môi trường đầu tư.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao sự khác biệt đến từ tư duy của chính các nhà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư thông qua việc quan tâm chủ động đón dòng vốn đầu tư, theo đó chuẩn bị sẵn mặt bằng 19 KCN với đầy đủ hạ tầng cơ sở, điện, nước, đảm bảo nguồn nhân lực, logistics, kho ICT, kho ngoại quan đến tận nhà máy, đồng thời là một trong những nơi sớm có cơ chế hành chính công 1 cửa; việc chăm sóc nhà đầu tư trước, trong và sau cấp phép đều chu toàn đáp ứng nhu cầu và mong muốn của hầu hết các nhà đầu tư. Điểm khác biệt nữa là Vĩnh Phúc đã thu hút được lượng lớn các doanh nghiệp chế biến chế tạo tập trung phát triển tại địa phương từ rất sớm, vô hình chung tạo nên hệ sinh thái đồng bộ công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó lan tỏa sang các địa phương lân cận Bắc Ninh và Bắc Giang, giúp tạo nên một khu vực công nghiệp khá hoàn chỉnh phía Bắc trong lĩnh vực chế biến chế tạo.
Trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, song Vĩnh Phúc đã xử lý tài tình, nhanh chóng, quyết liệt kịp thời chỉ trong vòng 2 tuần đã giải quyết được sự cố khu vực phía Bắc, trở thành địa phương đi đầu cùng Bắc Giang xử lý ngay và luôn công tác phòng chống dịch, góp phần bảo đảm SXKD với các giải pháp phù hợp đã được áp dụng trên toàn quốc như 1 cung đường 2 điểm đến, 3 tại chỗ…
“Các doanh nghiệp đánh giá rất cao khả năng quản trị và ứng phó của chính quyền trong các trường hợp nước sôi lửa bỏng như thế này, chúng tôi rất cảm ơn địa phương và tự hào có chất liệu để quảng bá Việt Nam khi đó là một điểm đến an toàn của khu vực và thế giới với những điển hình trọng tâm như Vĩnh Phúc. Rõ ràng, chính sách thu hút đầu tư chung của quốc gia đã có thì không thay đổi, nhưng nếu chính sách của địa phương tốt hơn thì sẽ tăng sức hấp dẫn của chính địa phương, do đó Vĩnh Phúc cần nỗ lực duy trì tốt những thế mạnh khác biệt này”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Đặc biệt ấn tượng với tốc độ cải cách mạnh mẽ của tỉnh, Phó Tổng thư ký - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây mới chính là lợi thế mấu chốt giúp Vĩnh Phúc từ chỗ hầu như không có dư địa thế mạnh nào sau khi tách tỉnh, đã vươn lên trở thành một “hiện tượng” thu hút đầu tư và phát triển. Từ một địa phương thuần nông sau khi tách tỉnh, Vĩnh Phúc đã có sự tăng trưởng ngoạn mục và dẫn đầu cả nước về tốc độ cũng như chất lượng cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh.
Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc tăng 24 bậc, lọt vào top 5 trong 63 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Đáng chú ý, 10 chỉ số thành phần của tỉnh đạt thứ hạng cao và đều lọt vào top 10 địa phương có chỉ số tốt nhất, như: Chi phí thời gian (8,46); Chi phí không chính thức (8,05); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,78); Tiếp cận đất đai (7,56)… đều lọt vào Top 10, thậm chí chỉ số chi phí không chính thức xếp thứ 3 toàn quốc. Thủ tục cấp phép đầu tư, các vấn đề sau đăng ký kinh doanh và cấp phép đầu tư được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm qua tăng hơn 2 điểm, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của tỉnh.
Cũng theo ông Tuấn, ảnh hưởng dịch Covid-19 chính là thước đo quan trọng về chất lượng vận hành của bộ máy chính quyền. Với 90% doanh nghiệp đánh giá tốt quản trị dịch bệnh của chính quyền, thực tế doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn duy trì được tổ chức sản xuất tốt ngay trong điều kiện dịch bệnh đã cho thấy ở đâu có quản trị tốt thì ở đó doanh nghiệp thuận lợi. "Bằng sự quyết tâm Vĩnh Phúc đã tạo ra hiện tượng thu hút đầu tư và phát triển, động lực đến từ nội lực và con người để cải cách là yếu tố rất quan trọng, phù hợp với nhà đầu tư Nhật Bản vì có chiều sâu, có nội lực và bền bỉ”, đại diện VCCI đánh giá.
Đất lành mời gọi đại bàng làm tổ
Không phải tự nhiên mà hàng loạt “đại bàng lớn” của Nhật Bản với con mắt vô cùng tinh tường và khó tính đã quyết định chọn Vĩnh Phúc làm nơi đất lành để “làm tổ” ngay từ rất sớm. Lựa chọn địa phương làm nơi đặt trụ sở chính và các nhà máy quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam gồm 2 nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy, 1 nhà sản xuất lắp ráp ô tô và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe trên quy mô diện tích 70ha, Honda đã trở thành 1 trong những tập đoàn lớn của Nhật bản đến từ những ngày đầu và gắn bó với Vĩnh Phúc trong 26 năm qua. Tổng Giám đốc Honda Mihara Daiki xúc động chia sẻ, trong hành trình gắn bó đầu tư tại Vĩnh Phúc - Việt Nam, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành của tỉnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác. Với ông đây lý do doanh nghiệp luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như Việt Nam.
Khu công nghiệp HDTC – Bá Thiện, dự án thí điểm đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên trên cả nước có diện tích hơn 247 ha do Công ty Cổ phần Phát triển Kinh doanh Nhà làm chủ đầu tư. Dự án được tư vấn thiết kế nước ngoài quy hoạch đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến Việt Nam đầu tư.
Cùng với Honda, Toyota và Sumitomo là những tập đoàn hàng đầu đã quyết định chọn Vĩnh Phúc làm nơi đất lành chim đậu ngay từ rất sớm sau cả một quá trình chọn lựa kỹ càng. Đại diện Tập đoàn Sumitomo, nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc nêu bật 3 lý do quyết định “nên duyên” với Vĩnh Phúc sau khi đã tiến hành khảo sát gần 50 điểm tại các địa phương trên toàn quốc. Đó là điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều cây xanh gợi nhớ về quê hương Nhật Bản; vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam; cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ đầy nhiệt thành của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt, tại Vĩnh Phúc có bộ phận Japan Desk luôn lắng nghe ý kiến doanh nghiệp qua cơ chế 1 cửa. Điều này rất phù hợp với cách làm việc của người Nhật và được nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao.
Đây cũng là những điểm mấu chốt mà các nhà đầu tư lớn quyết định chọn Vĩnh Phúc làm nơi đặt đại bản doanh ngay từ đầu, như ông Keisuke Tokunaga - đại diện Tập đoàn Toyota chia sẻ doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tất cả các hoạt động khảo sát môi trường đầu tư đến hỗ trợ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên vào năm 1996. Đặc biệt ông bày tỏ vô cùng ấn tượng với những ứng phó rất kịp thời, nhanh chóng của chính quyền địa phương trong 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 (2020-2021). Theo đó tỉnh vẫn duy trì nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh chóng việc tiêm phòng Covid-19 và có những biện pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và kinh doanh một cách suôn sẻ tại Việt Nam.
Song hành cùng các đại bàng Nhật Bản, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới với con mắt tinh tường cũng đã quyết định chọn Vĩnh Phúc làm nơi chọn mặt gửi vàng dài lâu. Ông KC Chen, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Compal Việt Nam cho biết với Compal Việt Nam, doanh nghiệp nằm trong Top 500 công ty hàng đầu thế giới, Top 100 công ty công nghệ toàn cầu chuyên sản xuất máy tính xách tay, các thiết bị ngoại vi, thiết bị thông minh như đồng hồ thông tin, xe hơi thông minh, thì việc tìm kiếm được môi trường đầu tư, xây dựng nhà máy để hoạt động là điều vô cùng quan trọng. Trong hơn 10 năm gắn bó với Vĩnh Phúc, vị lãnh đạo khẳng định Compal Việt Nam luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho trên hàng nghìn lao động.
“Chúng tôi rất yên tâm và cảm kích trước sự quan tâm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Doanh nghiệp tin tưởng, với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ trong đại dịch, những nỗ lực và thành quả của Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục là cú hích mới thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, ông KC Chen nhấn mạnh.
Giữ vững ngọn lửa cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp
Khu công nghiệp HDTC - Bá Thiện được đánh giá là một trong những dự án có vị trí đắc địa nhất tại các tỉnh phía Bắc khi dễ dàng kết nối với đường bộ, đường hàng không, đường biển.
Tuy nhiên, cùng với những thành quả đã đạt được, vẫn còn đó những vấn đề cấp thiết trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch để chạy đua nước rút lấy lại tốc độ tăng trưởng mà các nhà đầu tư và các doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời có những quyết sách, giải pháp khắc phục một cách hữu hiệu theo những cách thức rất sáng tạo và hiệu quả như địa phương luôn thực hiện bấy lâu nay. Đó là vấn đề kết nối nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, giá thành nguyên liệu, chi phí vận chuyển, chi phí nhân công, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, cung cấp điện, và đặc biệt là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân…
Ở tầm vĩ mô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ giữ vững định hướng và tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động và phát triển. “Chúng tôi sẽ “lấp đầy” nhu cầu của doanh nghiệp ngày một tốt hơn, để Vĩnh Phúc luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Đối với các giải pháp cụ thể, Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết, song song với việc hoàn thiện quy hoạch 19 KCN với đầy đủ cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch xây dựng đồng bộ toàn bộ mạng lưới cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng lưới điện cho sản xuất kinh doanh thông qua việc đầu tư 20 dự án xây dựng lưới điện với tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung xây dựng các trạm biến áp công suất cao, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho địa phương trong 10 -20 năm tới. Đặc biệt, tỉnh cũng có chính sách và báo cáo Trung ương cho phép khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời tại địa phương và sử dụng năng lượng xanh này theo phương thức doanh nghiệp đầu tư không sử dụng hết có thể bán cho doanh nghiệp khác, từ đó “xanh” hóa và đảm bảo đủ nguồn năng lượng thân thiện môi trường cho địa phương.
Cụ thể hóa chủ trương này, Phó Chủ tịch Vũ Chí Giang cho biết tỉnh sẽ chuẩn bị đủ quỹ đất sạch quy hoạch cho đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích 6000ha trong vòng 5-10 năm tới, trong đó, năm 2022 dự trù quỹ đất sạch là 200 ha, năm 2023 là 608ha, năm 2024 là 530 ha và đến năm 2025 sẽ có 1.235 ha. Cũng theo lãnh đạo tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục giữ vững định hướng tăng tỷ lệ cơ cấu công nghiệp, dịch vụ trong phát triển kinh tế với việc gia tăng công nghiệp nền tảng, lĩnh vực xây dựng chiếm 66%, dịch vụ 22%, hình thành văn hóa của tỉnh công nghiệp, là điều kiện quan trọng để tiếp cận và hướng tới xã hội công nghiệp chuẩn mực, tương tác đồng bộ trong sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn liền với phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung giải quyết một cách kịp thời và hữu hiệu các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân và có chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút đồng bộ mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp phụ trợ, linh phụ kiện phát triển mạnh tại địa phương, cũng như kết nối lan tỏa với các địa phương lân cận để đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo về nguyên vật liệu, linh phụ kiện, góp phần giảm giá thành và chi phí cho doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tái khẳng định, quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là coi các nhà đầu tư đầu tại Vĩnh Phúc như công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. “Do đó, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách hỗ trợ, thu hút cho các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư trong và ngoài nước được thành công khi đầu tư tại Vĩnh Phúc”, bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.
PV