(ĐSPL) - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) vừa có văn bản chính thức xin lỗi người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và các nhà kinh doanh nước mắm về thông tin sai lệch liên quan tới chất lượng nước mắm.
Vinastas công bố thông tin khảo sát nước mắm đã khiến người tiêu dùng hoang mang và doanh nghiệp sản xuất khốn đốn. |
Theo nội dung văn bản, ngày 17/10/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức buổi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Tuy nhiên nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, trong đó có việc đồng nhất khái niệm Arsen với thạch tín không đúng theo Từ điển Bách khoa Việt Nam đã tạo điều kiện cho việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Trước đó, ngay sau khi sự việc xảy ra đã gây hoang mang cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Chính vì thế Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động của Vinastas trong thông tin khảo sát nước mắm.
Theo kết luận này, việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) có dấu hiệu vi phạm Khoản 2, Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: "Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.
Công văn cáo lỗi của vinastas. |
Kết quả kiểm tra của Bộ cho thấy, việc khảo sát nước mắm của Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Hiệp hội này đã không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng.
"Thay mặt cho nhóm khảo sát, Vinastas xin gửi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và các cơ quan quản lý lời xin lỗi về sự cố đã xảy ra. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc để không xảy ra sai sót tương tự", nội dung công văn cáo lỗi ghi rõ.
Đối với công bố của Vinastas về “độ đạm càng cao thì nhiễm thạch tín cao” đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y Tế) xác định là không đúng sự thật. Theo Điều 27 Nghị định 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm” có quy định: Điều 27. Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;Cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này. Theo quy định tại Nghị Quyết 03/2006 /NQ-HĐTP, ngày 08/07/2006 "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: Phải có thiệt hại xảy ra. Trường hợp này có thể đặt ra thiệt hại về tài sản và uy tín bị xâm phạm. Những thiệt hại này phải thực tế và các Doanh nghiệp phải chứng minh được mức thiệt hại đã xảy ra. Phải có hành vi trái pháp luật. Đã phân tích hành vi của Vinatas vi phạm điều cấm của pháp luật theo Luật an toàn thực phẩm năm 2010 ở trên. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Trong trường hợp này các Doanh nghiệp phải chứng minh được những thiệt hại về tài sản và uy tín bị xâm phạm là do hành vi công bố thông tin sai sự thật của Vinatas. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại: Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra; Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Như vậy, nếu Doanh nghiệp bị thiệt hại chứng minh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Vinatas đã nêu trên thì có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo thủ tục tố tụng dân sự. (Luật sư Lê Văn Cao - Đại diện Công ty Luật hợp danh FDVN Đà Nẵng) |
Hoàng Hà