Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á, trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển.
Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 01 loài sắp bị đe dọa và 01 loài chưa được đánh giá (IUCN, 2021). Cụ thể: trong 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt có nguy có tuyệt chủng, có tới 15 loài ở mức độ rất nguy cấp (CR), 8 loài ở mức độ nguy cấp (EN), và 01 loài ở mức sắp nguy cấp (VU); 5 loài rùa biển có 01 loài rất nguy cấp (CR), 01 loài nguy cấp (EN) và 03 loài sắp nguy cấp (VU).
Theo nhận định của Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Chương trình bảo tồn Rùa châu Á, nạn săn bắt cùng với tình trạng buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của các loài rùa tại Việt Nam, trong đó nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính.
Chia sẻ với Tạp chí Đời sống và Pháp Luật, TS. Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP), cho biết: “Hơn 10.000 tấn rùa bị buôn bán/năm tương đương với 10 triệu cá thể rùa. Giá trị sử dụng rùa thường bị đồn thổi để dùng làm thực phẩm, thuốc, thú cưng và đồ trang sức. Việt Nam hiện là nơi trung chuyển trong các hoạt động mua bán trái phép rùa. Hiện nay, các vụ buôn bán rùa số lượng lớn tuy ít hơn nhưng vẫn diễn ra".
Thống kê từ các cơ quan chức năng cũng cho thấy trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt bất hợp pháp đã bị bắt giữ, tịch thu trong thời gian qua, các loài thuộc nhóm rùa chiếm gần 1/3 tổng số các cá thể động vật hoang dã bị tịch thu trong giai đoạn 2013-2017.
Đáng chú ý, các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi.
Theo bà Tô Bích Ngọc, cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, số lượng các kênh liên quan đến buôn bán rùa được thành lập nhiều nhất. Hầu hết các tài khoản được lập để chia sẻ kinh nghiệm nuôi và buôn bán rùa.
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình
Sputnik / Lena Chu.
Cùng với Youtube, mạng xã hội Facebook cũng luôn là “điểm nóng” của tình trạng buôn bán rùa. Chỉ riêng trong năm 2021, nghiên cứu cho thấy có hàng trăm tài khoản Facebook liên quan đến hoạt động nuôi và buôn bán rùa, trong đó có 96 trang (tương đương 67,1%) liên tục cập nhật các mặt hành rùa để buôn bán. Các nhóm có nhiều chiêu để lách luật, ví dụ chèn thông tin vào ảnh, chèn vào video, lập nhóm riêng tư/quy định chặt chẽ đối với thành viên.
Theo quan sát, toàn bộ các bài viết, video đều không nhắc tới giấy tờ nguồn gốc hay giấy phép của các cá thể mình đang nuôi hay rao bán. Như vậy, người nuôi rùa nếu không nắm được các quy định pháp luật liên quan có thể vướng vào vòng lao lý nếu thú cưng của mình thuộc nhóm được ưu tiên bảo vệ. Đơn cử, nhiều bàn luận trên các diễn đàn cho rằng, nuôi nhiều mới vi phạm pháp luật, còn “nuôi một con sẽ không sao”.
Tại Tọa đàm “Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 14/10, có sự tham gia của ông Hoàng Văn Hà - Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức IMC; ông Nguyễn Đức Minh - đại diện Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội; TS. Phạm Thế Cường - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật; Bà Bùi Thị Hà - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).
Trao đổi tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho biết, việc nuôi nhốt rùa, ba ba đang khiến cho các loài thuần chủng dần tuyệt chủng, vì mục đích lợi nhuận, các trang trại nuôi nhốt thường lai tạp các loại giống để tăng năng suất.
Các loài động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép cũng đang có dấu hiệu gia tăng, tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy như đe dọa đến đa dạng sinh học của khu vực, gây mất cân bằng hệ sinh thái, lây truyền các dịch bệnh… Công tác cứu hộ và tái thả các cá thể rùa về môi trường tự nhiên cũng như công tác xác định danh tính các tội phạm buôn bán trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia đang trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác bảo tồn rùa tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế tình trạng nuôi nhốt, săn bắt rùa; các nền tảng mạng xã hội cần siết chặt công tác quản lý người dùng, nội dung các bài đăng, bài quảng cáo; các chính sách pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm cần phải nghiêm khắc hơn…
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả bảo tồn loài rùa nguy cấp tại Việt Nam, cần tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn tại Việt Nam.
Nông Thảo Ly