Cam kết chuyển giao hệ thống phòng không Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng thế giới tại căn cứ Không quân Ramstein ở Đức hôm 26/4 (giờ địa phương).
Cụ thể, bà Lambrecht cho biết: "Chúng tôi đã quyết định ngày hôm qua (25/4) rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ các hệ thống phòng không cho Ukraine, đó chính là những gì Ukraine cần hiện nay để đảm bảo không phận từ trên mặt đất".
Động thái này đánh dấu một sự thay đổi có ý nghĩa đặc biệt trong chính sách của Đức. Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2. Được biết, các hệ thống Gepard đã được cắt bỏ dần khỏi hoạt động quân sự ở Đức từ năm 2010.
Hệ thống phòng không Gepard được trang bị hai khẩu pháo 35 mm. Ảnh: Reuters
Ban đầu, Đức từ chối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kyiv. Thời điểm ấy, Berlin chỉ đồng ý cung cấp trợ giúp nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho khu vực xảy ra giao tranh.
Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chính phủ mới của Đức khi đó vẫn còn đồng ý đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh của mình.
Nhưng đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các đồng minh và công chúng Đức, chính phủ Berlin đã buộc phải cải cách các quy định. Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố Berlin sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó, ông kiên quyết gọi đây là vũ khí "phòng thủ".
Ngoài ra, ông Scholz cũng nói rằng Đức sẽ bắt đầu bơm thêm tiền vào các lực lượng vũ trang của họ.
Khoản đầu tư đầu tiên như vậy đã được xác nhận công khai vào tháng trước khi Đức tuyên bố sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.
Mới tuần trước, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết trong khi "các đồng minh khác đang cung cấp pháo và vũ khí" cho Ukraine, thì Đức sẽ "hỗ trợ quá trình đào tạo và bảo trì".
Bà Baerbock nhấn mạnh Berlin không thể cung cấp thêm vũ khí vì nước này không có vũ khí nào có thể được "vận chuyển nhanh chóng và không chậm trễ".
Bà Baerbock nói rằng Đức lựa chọn không công khai tất cả các loại vũ khí mà họ đã gửi tới Ukraine trước đây nhưng khẳng định: "Chúng tôi đã cung cấp vũ khí chống tăng, hệ thống phòng không Stingers và nhiều loại vũ khí khác mà chúng tôi chưa công khai".
Minh Hạnh (Theo CNN)