Nhiều ngày nay, trên mạng xã hội đang lan truyền một trò chơi tạo hiệu ứng mạnh và lan truyền với tốc độ chóng mặt đó là những người vợ lấy điện thoại ra và nhắn cho chồng: “Em yêu anh”, sau đó chờ đợi tin nhắn trả lời.
Những dòng tin nhắn trả lời hài hước từ các ông chồng đang được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội và ai nấy đều không thể nhịn được cười với những câu: “Đã nộp đủ lương rồi mà!”, “Còn muốn mua sắm thêm gì nữa?”, “Bị điên à?”, “Cô nhắn cho thằng nào?”…
Và như vậy, vô tình, từ một trò chơi mang tính giải trí, nhiều người đã có cớ để nghĩ xa xôi hơn: Mộ t câu nói bày tỏ tình cảm lẽ nào khó đến thế? Kết quả của phép thử này có "báo động" gì cho đời sống tình cảm của các cặp đôi không?
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu trò chơi tin nhắn này không xuất phát từ phụ nữ mà từ những người đàn ông với tin nhắn “Anh yêu em” thì phản ứng của phái đẹp cũng bi hài chẳng kém.
Cô gái được cho là đã "phát minh" ra trò chơi. |
Có lẽ, không phải chờ đến phép thử vui qua tin nhắn mà có một thực tế, so với phương Tây thì người phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng thường ít biểu lộ tình cảm qua lời nói hàng ngày cũng như những cử chỉ gần gũi, ôm hôn thắm thiết…
Từ xa xưa, trong ca dao, dân ca... người Việt đã thể hiện khá rõ đặc điểm này. Lối thể hiện tình yêu một cách trực diện bằng chữ "yêu" như: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” thường rất hiếm gặp. Thậm chí cả khi hỏi vợ cũng không tiếng yêu nào được thốt ra, thay vì: “Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh không” từng bị gán cho là vụng về, thô kệch. Hoặc như phụ nữ thì bày tỏ một cách ý nhị, dung từ “thương”: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bất nhiêu”…
Nhưng đó là câu chuyện ở xã hội phong kiến với nhiều mối ràng buộc của tục lệ, lễ giáo… còn ở đời sống hiện đại, thử hỏi vì sao ba từ “Em yêu anh” (hoặc: Anh yêu em) lại khó nói đến thế? Liệu có ảnh hưởng gì từ đời sống văn hóa hay quan niệm xã hội ở đây không?
Dù ai đó có thể nói rằng đây là trò chơi giải trí nhưng vô tình nó lại chạm đến một khía cạnh rất thật của đời sống. Đó là con đường từ lời nói yêu thương đến hạnh phúc thực sự. Lời nói sẽ chẳng mang lại giá trị gì nếu con người chỉ nói mà không làm, nhưng con người có thể hạnh phúc bên nhau mà thiếu đi những lời lẽ yêu thương không?
Sau cái gọi là "trào lưu" phép thử tin nhắn kia, ngoài tính vui vẻ, giải trí chúng tôi đồ rằng có không ít phụ nữ và đàn ông đã nghĩ ngợi ít nhiều về thông điệp yêu thương đang ngày một thưa vắng trong đời sống hàng ngày.
Những ngày qua, khi cơn sốt nhắn tin vẫn chưa hạ nhiệt, chia sẻ của PGS.TS Văn Như Cương đã khiến cộng đồng sửng sốt. Trước câu hỏi, ông có thường xuyên nói với vợ câu: "Anh yêu em" hay không?, ông thẳng thắn đáp ngay: "Có chứ!" và giải thích: "Năm nay tôi 79 tuổi, vợ tôi 76 tuổi và chúng tôi vẫn nói bình thường. Chẳng lẽ người già như chúng tôi lại không yêu nhau à?. Nếu giờ vợ tôi nói với tôi câu đó thì tôi càng vui chứ chẳng có phản ứng bất ngờ, ngạc nhiên hay sốc vì vợ tôi vẫn thường nói câu đó với tôi".
Cũng theo PGS Văn Như Cương, sở dĩ số đông các ông chồng Việt Nam đều tỏ ra bất ngờ khi nhận được tin nhắn của vợ là bởi văn hóa thể hiện tình yêu của người phương Đông còn rụt rè, ái ngại, khác hẳn với phương Tây.
PGS.TS Văn Như Cương thấy thú vị với trào lưu này. |
"Người ta cảm thấy không cần thiết để nói mà yêu thương bằng hành động quan tâm đến nhau là đủ rồi. Hơn nữa, họ còn lo công ăn việc làm, cho con cái ăn học nên ít nói "Anh yêu em" hay "Em yêu anh" hàng ngày.
Tôi thường nói với các học sinh của mình rằng một năm các em nói với bố mẹ "Con yêu bố" hay "Con yêu mẹ" bao nhiêu lần?. Nếu các con cần nói thì nên nói vì đó là chuyện tự nhiên của con người khi biểu lộ tình cảm một ai đó", PGS Văn Như Cương chia sẻ.
Thạc sĩ văn học Chu Thị Lý cũng chia sẻ: "Tôi nghĩ người Việt xưa nay vốn ưa cách bày tỏ tình cảm kín đáo nên việc bày tỏ trực tiếp này thế hệ trước đây sẽ chưa quen. Riêng tôi thì ủng hộ. Vẫn biết lời nói, hay cử chỉ yêu thương được biểu hiện thế nào còn tùy thuộc vào lứa tuổi, vào văn hóa vùng miền... Hiện tại và trong tương lai, tôi tin rằng thế hệ trẻ được dạy dỗ, trưởng thành, va chạm trong môi trường, bối cảnh hiện đại sẽ nảy sinh những nhu cầu khác. Trong đó có cả việc thể hiện tình cảm một cách trực diện. Đó là một nhu cầu chính đáng nhưng cũng nên hiểu có nhiều điều rất khó đổi thay".
Thạc sĩ Chu Thị Lý: "Riêng tôi thì ủng hộ". |
Nguyễn Thái Anh (27 tuổi, nhân viên truyền thông) tâm sự: "Tôi đã chứng kiến cảnh những cô cậu thanh niên vây lại giữa một đôi bạn trẻ để vỗ tay cổ vũ trước một câu nói “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” thật bình thường đó. Nói thế để thấy rằng ở ta, câu nói đó trở nên một điều thầm kín mà rất ít khi được bộc lộ ra ngoài. Thế thì mới có chuyện nổi lên trào lưu nhắn tin “Em yêu anh” như là một phép thử thú vị trước ứng xử của người còn lại trong tình yêu. Nhưng cũng chỉ đến mức nhắn tin thôi nhé, ở mình vẫn chưa thể nói câu đó một cách tự nhiên như xứ khác đâu!
Điều tôi thấy thú vị nhất chính là phản ứng của những người bạn trai, chồng trong trào lưu này. Vì bình thường những cô bạn gái, vợ cũng chẳng nói và nhắn tin như thế, nên nó trở thành một tin nhắn hết sức bất ngờ, và cả thú vị. Đa số các đấng mày râu khi nhận được tin nhắn đều cho rằng đang có một sự khác biệt nào đó xảy ra và thường phản ứng lại cũng “hay ho” không kém. Tình yêu thì sự thú vị luôn luôn cần rồi. Vậy tại sao những gia vị – những câu nói yêu thương đơn giản ấy lại không thêm vào tình yêu, để tình yêu “ngọt” hơn?", chàng trai "độc thân" cho biết thêm.
Theo Báo Gia đình & Xã hội
Xem thêm video Dân mạng lùng tìm video về lễ hội rước kiệu bay