Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử các giải đấu lớn của bóng đá thế giới. Chỉ riêng trận Anh và Iran, không chỉ ghi dấu ấn với 8 bàn thắng được ghi vào lưới hai bên mà còn là kỷ lục khi có tổng cộng 27 phút bù giờ nếu tính cả hai hiệp. Đó là một kỷ lục trong lịch sử World Cup hay Euro, nếu không tính các trận bị hoãn.
Ở hiệp 1, trọng tài Raphael Claus đã tính thời gian bù giờ lên tới 14 phút. Nguyên nhân được là do thủ thành Alireza Beiranvand của Iran đã gặp chấn thương nặng sau pha va chạm với đồng đội và đội ngũ y tế phải mất hơn 10 phút để chăm sóc cho anh. Chưa từng có trận đấu nào trong lịch sử bóng đá hiện đại có thời gian bù giờ nhiều đến vậy, đó là điều chưa từng có tiền lệ tại World Cup.
Trọng tài đưa ra 10 phút bù giờ cho hiệp 2 trận Anh và Iran, hiệp 1 là 14 phút bù giờ Ảnh: Reuters
Theo ông Pierluigi Collina, chủ tịch ủy ban trọng tài FIFA cho biết thay đổi thời gian bù giờ ở World Cup 2022 để giúp các trận đấu chính xác hơn: “Nếu bạn muốn thời gian bóng sống diễn ra nhiều hơn, bạn phải sẵn sàng cho việc bù giờ nhiều như vậy. Hãy nghĩ về một trận đấu có 3 bàn thắng. Một màn ăn mừng thường tốn khoảng 1 hay 1 phút rưỡi. Chính vì thế nếu có 3 bàn được ghi, trận đấu sẽ mất khoảng 5 hay 6 phút.”
Tình huống va chạm dẫn đến chấn thương của thủ môn Alireza Beiranvand Ảnh: sưu tầm
Tình huống khiến người gác đền bên phía Iran bị choáng và chảy máu mũi Ảnh: sưu tầm
“FIFA muốn hạn chế tình trạng lãng phí thời gian và cũng cam kết cộng thời gian chính xác khi trận đấu phải dừng lại nếu có sự can thiệp của công nghệ VAR, thời gian điều trị chấn thương, thay người, phạt đền và thẻ đỏ. Nó sẽ dẫn đến việc các trận đấu sẽ được kéo dài hơn 100 phút”, ông Collina chia sẻ.
Davy Klaassen ghi bàn cho Hà Lan ở phút 90 + 9 Ảnh: Reuters
Ngoài trận đấu giữa Anh – Iran, người hâm mộ còn được chứng kiến hai trận đấu giữa Senegal – Hà Lan và Mỹ - Xứ Wales cũng đều thêm 11 phút bù giờ cuối trận. Trận đấu có ít bù giờ nhất kể từ đầu giải, giữa Qatar và Ecuador cũng có 6 phút cộng thêm ở giai đoạn cuối hiệp 2.
Tại World Cup 2022, các trọng tài phải bù giờ chính xác tuyệt đối cho thời gian bóng ngừng lăn trong trận. Collina tuyên bố: “Những gì chúng tôi muốn làm là tính toán chính xác thời gian cộng thêm vào cuối mỗi hiệp. Đây là điều trọng tài thứ tư có thể làm được, chúng tôi đã thành công ở Nga và mong đợi điều tương tự ở Qatar.”
“Vua áo đen” nổi tiếng giải thích thêm: “Thời tôi còn làm trọng tài, khi thông tin (về thời gian bù giờ) đến từ trọng tài thứ tư, trọng tài chính thường quá tập trung vào những gì đang diễn ra trên sân nên không thể xem xét chính xác”.
Việc FIFA tăng cường tính chính xác của thời gian bù giờ (chủ yếu là tăng thêm số phút bóng lăn) nằm trong kế hoạch thay đổi bóng đá của tổ chức này. Giám đốc Phát triển Bóng đá FIFA, Arsene Wenger rất ủng hộ ý tưởng thời gian “bóng sống” để khiến các trận đấu hấp dẫn hơn.
Nhờ 27 phút bù giờ trong hai hiệp, trận Anh và Iran đã có tổng cộng 8 bàn thắng, trong đó có 2 bàn đến từ thời gian cộng thêm. Ở trận Senegal thua Hà Lan 0 – 2, bàn ấn định tỷ số của “Cơn lốc màu da cam” cũng đến ở phút bù 90 + 8.
Số phút bù giờ cao đột biến ở World Cup 2022, nếu so với các giải đấu lớn trước đó, nằm trong điều chỉnh của Liên đoàn Bóng đá Thế giớ (FIFA) để khiến trận đấu diễn ra công bằng, hấp dẫn hơn.
Trần Ngọc (T/h)