Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao nhiều cha mẹ Bắc Âu để trẻ em ngủ ngoài trời lạnh giá?

(DS&PL) -

Nhiều khách du lịch khi đến các quốc gia Bắc Âu không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những chiếc xe đẩy trẻ em xếp hàng trên đường mà không có ai trông chừng.

Để con ngủ ngoài trời là thói quen phổ biến của nhiều bậc cha mẹ tại Đan Mạch, Phần Lan hoặc bất kỳ các quốc gia Bắc Âu khác. Ở những nơi này, cha mẹ thường cho con nhỏ ngủ ngoài trời để chúng ngủ ngon hơn dưới không khí trong lành.

Olly Bowman, một TikToker người Australia đang sống tại Na Uy, tuần trước đăng lên mạng xã hội video hàng xe nôi được xếp ngay ngắn bên đường mà không có người trông coi bên cạnh, cùng chú thích: "Một ngày bình thường ở Na Uy, những đứa trẻ đang ngủ một mình trong tiết trời giá lạnh".

Trong video, Bowman nhún vai và cho biết đây là cách người Na Uy rèn luyện cho trẻ em "độc lập hơn" ngay từ trong nôi và cách làm này cũng có lợi cho hệ hô hấp của trẻ.

Video của Bowman đã thu hút 3,4 triệu lượt xem và nhận được hơn 4.000 bình luận. Một số người xem cảm thấy vô cùng bất ngờ trước cách làm này của người Na Uy. Một số khác thì lo lắng về việc các bé có thể gặp nguy hiểm khi ở ngoài trời một mình mà không hề có bất cứ sự giám sát nào từ người lớn.

Theo Insider, để trẻ sơ sinh ngủ trong xe nôi ngoài trời không phải chuyện lạ ở các nước Bắc Âu, trong đó có Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan hay Thụy Điển.

Mặc dù nhiệt độ ngoài trời có thể rất thấp nhưng các phụ huynh đều giữ ấm đầy đủ cho con khi để trẻ nhỏ ngủ ngoài trời. Trẻ em nơi đây được mặc những bộ quần áo bằng len, đắp thêm chăn lông và ngủ bên ngoài trời. Trong khi đó cha mẹ chúng có thể đang đi mua sắm hoặc ngồi ở quán cà phê gần đó. Tuy nhiên, họ vẫn luôn theo dõi những đứa trẻ từ xa hoặc sẽ gắn camera ở trong xe đẩy.

Các em bé bắt đầu được ngủ ở bên ngoài một mình từ lúc hai tuần tuổi và điều này sẽ được thực hiện mỗi ngày một lần. Theo Norway Guide, hầu hết các trường mẫu giáo ở Na Uy đều cho trẻ sơ sinh ngủ trưa ngoài trời trong xe nôi, trong khi trẻ em lớn hơn vui chơi chạy nhảy. Họ cho rằng điều này khiến trẻ quen với việc ngủ khi có tiếng ồn ở xung quanh hơn.

Cô Mardon cho biết đã để 3 đứa con của mình ngủ ngoài trời từ khi chúng sinh ra. Đứa bé nhất, Alfred, mới 2 tuổi và được mẹ cho ngủ trong xe nôi ngoài trời ngày một lần, khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bé hơn, cậu bé còn chợp mắt kiểu này tới 2 lần/ngày. Việc để con ngủ ngoài trời không phải là xu hướng mới xuất hiện gần đây ở Thụy Điển. Cha mẹ, ông bà của cô Mardon cũng đã làm chuyện đó với con cái của mình từ những năm 1950. Tại Forskolan Orren, một trường mẫu giáo ở ngoại ô Stockholm, tất cả bọn trẻ đều ngủ ngoài trời cho tới khi chúng 3 tuổi.

Mặc dù nhiệt độ ngoài trời có thể rất thấp nhưng các phụ huynh đều giữ ấm đầy đủ cho con khi để trẻ nhỏ ngủ ngoài trời.

Tiến sĩ Timothy Heffernan, một chuyên gia về văn hóa Iceland và xã hội Scandinavia cho biết để trẻ ngủ ngoài thời tiết lạnh giá là một chuẩn mực văn hóa mà tất cả trẻ sơ sinh đều phải trải qua trong thời thơ ấu. Nó không chỉ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ trong ngày mà còn giúp trẻ thích nghi hoàn toàn với thời tiết lạnh, điều này rất quan trọng ở các quốc gia Bắc Âu.

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Phần Lan, các cha mẹ phát hiện ra rằng con ngủ trưa ngoài trời lâu hơn so với ngủ trưa trong nhà. Các giấc ngủ trưa ngoài trời kéo dài gần 3 giờ, trong khi giấc ngủ trưa trong nhà chỉ kéo dài 1-2 giờ.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng trẻ em ngủ ngoài trời giảm nguy cơ bị ốm và nghỉ học hơn vì vi khuẩn, virus dễ lây lan hơn ở môi trường trong nhà.

Theo Katie Palmer, một chuyên gia tư vấn giấc ngủ tại London, những đứa trẻ ngủ trưa ngoài trời sẽ ngủ lâu hơn, có chất lượng giấc ngủ tốt hơn và ít nguy cơ tiếp xúc với vi trùng hơn so với những đứa trẻ ngủ trong nhà.

Tuy nhiên, thói quen này vẫn tiềm ẩn rủi ro. Trẻ nhỏ có thể bị hạ thân nhiệt khi ngủ ngoài trời vào mùa đông. Còn vào mùa hè, trẻ có nguy cơ bị cháy nắng và kiệt sức. Thậm chí, có nhiều người lo lắng về vấn đề an ninh và môi trường không phù hợp cho trẻ nhỏ.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật