Báo Vietnamnet đưa tin, Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về việc đang đàm phán và có kế hoạch chuyển nhượng một phần cổ phần cho nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc).
Đại diện công ty cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần này là để hợp tác quản lý vận hành nhằm tối ưu hiệu quả và tuổi thọ dự án.
Huyện vùng biên Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có nhiều nhà máy điện gió.
Trước đó, ngày 26/9/2023, Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh gửi UBND tỉnh và các Sở ngành về việc xin xác nhận “Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh là Chủ sở hữu Dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1, đảm bảo điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài dự kiến theo pháp luật hiện hành”.
Theo nhà đầu tư này, dự án điện gió là loại hình năng lượng với nhiều công nghệ rất mới tại Việt Nam. Hiện tại Việt Nam chưa có các công ty vận hành có kinh nghiệm cũng như chưa có các thiết bị và công cụ để sửa chữa, bảo trì, thay thế hoặc xử lý khi có sự cố.
Trong khi đó, khu vực Quảng Trị có khí hậu khắc nghiệt với những trận giông bão lớn tới cấp 10, cấp 12. Ngoài ra, thời tiết khí hậu có độ ẩm cao làm cho các thiết bị điện, bảng bo mạch, vật liệu của tuabin như cánh, hub, các vật liệu khác... rất dễ bị trục trặc, cần phải bảo trì, thay thế và sửa chữa sau 2-3 năm đầu tiên.
Theo lãnh đạo Công ty Khe Sanh, tại một số nước có dự án điện gió triển khai từ lâu, ở những vùng khí hậu khắc nghiệt, chủ đầu tư dự án sau khi phát điện thường có xu hướng hợp tác với các công ty chuyên đầu tư tài chính và vận hành các tuabin gió lớn để họ có kinh nghiệm, phương tiện, công cụ, đặc biệt có kỹ sư và người lao động chuyên nghiệp để vận hành, bảo trì, sửa chữa nhằm tối ưu hiệu quả cho dự án.
Chính vì vậy, Công ty Điện gió Khe Sanh khẳng định rằng mục tiêu chuyển nhượng một phần cổ phần là để tận dụng kinh nghiệm, thế mạnh của các đối tác nước ngoài, từ đó hỗ trợ trong việc sửa chữa, bảo trì, tối ưu hoá trong vận hành nhằm nâng cao sản lượng điện, đồng nghĩa nâng cao doanh thu cho công ty, nâng cao đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh cho biết thêm, các đối tác nước ngoài khi được lựa chọn để hợp tác sẽ chỉ là chủ sở hữu gián tiếp thông qua một pháp nhân được thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và các nhà đầu tư chỉ tham gia giám sát hoạt động của Công ty Khe Sanh từ xa (văn phòng các nhà đầu tư nêu trên có địa chỉ tại Hồng Kông và hoạt động giám sát chủ yếu là theo dõi hiệu quả kinh doanh của Công ty Khe Sanh), và chỉ cử 1-2 chuyên gia đến xử lý khi có sự cố liên quan đến vận hành Nhà máy.
Các hoạt động vận hành thường kỳ vẫn do người Việt Nam thực hiện. Trong trường hợp việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện, các đối tác nhận chuyển nhượng một phần cổ phần của Công ty Khe Sanh cùng với các cổ đông là cá nhân người mang quốc tịch và đang cư trú tại Việt Nam (Các cổ đông cá nhân này không liên quan đến nước ngoài, không phải là Việt kiều) cam kết sẽ ký hợp đồng uỷ quyền giao cho một công ty – là thành viên của Tập đoàn AMACCAO chịu trách nhiệm 100% các công việc vận hành. Hợp đồng uỷ quyền này được ký thời hạn 10 năm/lần.
Như đã đưa tin, ngày 29/11, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đang xin ý kiến của Bộ Quốc phòng xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư vào dự án điện gió đối với nhà đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị nhận được văn bản của Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh về việc chuyển nhượng cổ phần cho công ty thành lập ở Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh là nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1.
Hai công ty quan tâm nhận chuyển nhượng là Công ty CNNC Overseas Internatinonal Investment Limited (địa chỉ tại Hồng Kông) và Công ty TNHH Công trình đối ngoại Zhongyuan Trung Quốc (địa chỉ ở Bắc Kinh), theo báo Người lao động.
Vân Anh (T/h)