VTC News dẫn thông tin từ lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, củ cải là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, được ví như “nhân sâm trắng”.
Được biết, 100g củ cải chứa 20 calo năng lượng; 0,5g đường; 0,2g chất béo; 0,18mg vitamin B6; 0,8mg sắt và 0,37mg mangan; 0,045mg thiamine; 0,072mg riboflavin; 0,11mg niacin và 0,274mg axit pantothenic.
Theo Blosky, trong nhiều thế kỷ, loại củ này được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị nhiều chứng bệnh như viêm, đau họng, sốt, cũng như rối loạn vận động túi mật. Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe của củ cải:
Các chất phytochemical và anthocyanins trong củ cải có tính chất chống ung thư. Loại củ này cũng giàu vitamin C có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp ngăn chặn các tổn hại những gốc tự do - DNA bên trong các tế bào, nhờ đó giúp ngăn ngừa ung thư.
Củ cải cũng chứa glucosinolate hỗ trợ ngăn ngừa ung thư. Hoạt chất thực vật tự nhiên này sẽ phá vỡ thành hai hợp chất trong khi tiêu hóa gồm indole cùng isothiocyanate. Hai chất này hoạt động như tác nhân mạnh tấn công các tế bào khối u, làm giảm sự phát triển ung thư.
Theo các nghiên cứu, những người ăn củ cải thường xuyên ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư vú. Củ cải cũng có tác dụng lớn đối với các khối u đại tràng và trực tràng.
Củ cải có nhiều lợi ích tuyệt với đối với sức khỏe. Ảnh minh họa
Anthocyanin trong củ cải có đặc tính chống viêm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Loại flavonoid cũng giúp giảm cholesterol xấu, nhờ đó giảm nguy cơ bị bị đột quỵ, báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Bolsky cho hay.
Củ cải có chỉ số đường huyết thấp, có nghĩa là ăn loại củ này sẽ không ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Việc uống nước ép củ cải đem lại tác động tích cực đến mức đường huyết ở người bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu cho thấy, uống nước ép củ cải và lá của loại củ này có thể giúp ngăn ngừa loét dạ dày bằng cách bảo vệ mô dạ dày, củng cố hàng rào niêm mạc. Theo Bolsky, lá củ cải là một nguồn chất xơ tốt, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.
Hàm lượng vitamin C trong củ cải sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, đồng thời giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do độc tố môi trường. Loại vitamin này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, giúp duy trì làn da, mạch máu khỏe mạnh.
Loại củ này là một nguồn kali tuyệt vời, giúp giảm huyết áp cao. Kali làm thư giãn các mạch máu, thúc đẩy lưu lượng máu ổn định, đồng thời mở rộng các mạch máu bị tắc nghẽn giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, chiết xuất enzyme trong củ cải trắng có thể bảo vệ gan chống lại độc tố. Theo một nghiên cứu khác, củ cải có thể ngăn ngừa sỏi mật do cholesterol kết tinh trong dịch mật và giảm mức chất béo trung tính.
Củ cải là một nguồn chất xơ tốt giúp “làm dịu” cơn thèm ăn, tránh ăn quá nhiều, nhờ vậy dễ giảm cân hơn. Ngoài ra, chất xơ giúp kiểm soát nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và làm giảm cholesterol bằng cách liên kết với các lipoprotein mật độ thấp.
Loại củ này còn có đặc tính chống nấm và chứa protein kháng nấm RsAFP2. Một nghiên cứu cho thấy, RsAFP2 gây chết tế bào ở loại nấm Candida albicans, vốn là nguyên nhân chính gây nhiễm nấm men miệng, nấm candida xâm lấn, cũng như nhiễm nấm âm đạo.
Hàm lượng nước trong củ cải cao nên có thể giúp cơ thể bạn mát mẻ trong mùa hè. Ăn củ cải không chỉ giúp giữ nước cho cơ thể mà còn hỗ trợ ngăn ngừa táo bón.
Vitamin C, phốt pho và kẽm trong củ cải giúp làn da bạn luôn khỏe mạnh bằng cách trì hoãn quá trình lão hóa, ngoài ra còn giúp da không bị nhờn và giảm mụn. Theo Bolsky, loại củ này cũng giúp củng cố chân tóc, ngăn ngừa tình trạng rụng tóc và loại bỏ gàu.