“Bệnh nhân 29 ngày tuổi, thiểu sản van tim hai lá, thiểu sản thất trái, không có hẹp phổi, đã phẫu thuật tuy nhiên không thắt được ống động mạch. Vì thắt sẽ bị tím, chỉ số máy thở bất thường, áp lực máy thở cao. Chúng em nghi hẹp đường thở, nên đã hồi sức tích cực, tuy nhiên tình trạng phổi không cải thiện. Chúng em cho chụp CT thì phát hiện động mạch chủ kẹp một đoạn dài 10mm, gây hẹp 1/3 phế quản gốc trái. Đồng thời phổi viêm đông đặc nặng, tiến hành hút phế quản thì gây chảy máu đường thở”, BS chuyên khoa 2 Vương Hoàng Dung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi báo cáo PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, xin ý kiến tiến hành mổ lại cho bệnh nhân.
Nhận kết quả chụp CT, PGS Hiền đánh giá ca bệnh này là ca nặng, phức tạp, yêu cầu BS Dung tiến hành mổ luôn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Theo PGS Hiền, đây chỉ là một trong rất nhiều ca, hàng ngày bác sĩ sẽ cùng các y bác sĩ trong bệnh viện, hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Nếu có ca khó hơn, “đích thân” bác sĩ Hiền sẽ đứng mổ.
“Được làm công việc yêu thích, được cầm dao mổ, càng ngày tôi càng thấm ý nghĩa nhân văn và cao cả của nghề mình đang làm”, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ với PV ĐS&PL trước thềm kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bác sĩ Hiền chia sẻ cơ duyên đến với nghề Y từ những lần ốm đau ngày bé, những lần đau đớn đi viện nhưng mình không hiểu gì về bệnh, tâm lý lo lắng. Quyết tâm trở thành bác sĩ đầu tiên phải tự cứu mình, sau đó là cứu người.
“Càng học, càng nghiên cứu, được mổ thì lại càng ‘nghiện’”, BS Hiền nói.
Tuy nhiên, để được như ngày hôm nay, bác sĩ phải mất 15 năm “mài dũa” kinh nghiệm mới được chính thức cầm dao mổ, 6 năm ở Đại học Y Hà Nội, 4 năm là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Việt Đức, 2 năm đi Pháp để học về chuyên ngành phẫu thuật tim mạch. Trở về Việt Nam, bác sĩ tiếp tục học thêm một năm ở Viện Tim TP HCM cùng các chuyên gia người Pháp. Năm 2004, lần đầu tiên bác sĩ được cầm dao mổ chính.
“Ngày ấy, học hành rất áp lực, khi còn ở Việt Đức, cứ 4 ngày lại có 1 ngày trực, 8 ngày có 2 buổi thức trắng đêm ở phòng cấp cứu lo cho bệnh nhân đi mổ rồi ghi chép lại các ca mổ trong ngày vào cuốn sổ lớn để hôm sau giao ban trên hội trường trước các giáo sư.
Bệnh viện Việt Đức nổi tiếng với các giáo sư rất nghiêm khắc, không được phép sai nên 2 buổi đó hầu như tôi không cho phép mình ngủ mà hôm sau vẫn phải đi làm bình thường. Không ngủ đủ nên nhiều bác sỹ nội trú giai đoạn đó đều bị viêm dạ dày. Bản thân tôi cũng từng phải nội soi tiêu hóa.
Tuy vất vả nhưng lại rèn luyện cho mình về mọi kỹ năng, từ công việc của hộ lý đến bác sĩ, như đẩy cáng, thông tiểu, đặt nội khí quản, chọc ven, cho thuốc, đi mổ... Mình học được tất cả những điều cần thiết đó từ người bệnh và cũng để giúp người bệnh, qua đó coi người bệnh như người thân chứ không phải để ban ơn. Người bệnh cũng chính là người thầy của chúng tôi vì việc chữa trị bệnh nhân giúp bác sĩ đúc rút kinh nghiệm và giỏi nghề”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Là những người thuộc thế hệ đầu từ khi Bệnh viện Tim Hà Nội thành lập, bác sĩ hiểu được những khó khăn, vất vả của người bệnh lẫn các y bác sĩ. 20 gắn bó với ngành phẫu thuật tim, ông không cho bản thân một ngày nghỉ ngơi, ông luôn miệt mài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật vào điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim.
Với ông được mổ, mổ ca càng khó lại càng “hăng”. Bác sĩ Hiền ấn tượng mãi ca bệnh cách đây gần chục năm, lúc đó đoàn giáo sư Mỹ sang mổ cho bệnh nhi tên Yến Nhi, người đồng bào dân tộc thiểu số, mắc tứ chứng Fallot (bệnh tim bẩm thường gặp, chiếm 10% tổng số bệnh tim bẩm sinh - PV). Sau khi bệnh nhi được mổ, khi chuyển về khoa hồi sức, bệnh nhi bỗng ngừng tim. Mặc dù các giáo sư Mỹ đã cấp cứu nhưng không thành công.
“Không bỏ cuộc, tôi cùng BS Dung khi đó, hai anh em, người thì bóp tim, người thì bơm thuốc. trong thâm tâm chúng tôi nghĩ cháu bé không thể qua khỏi vì máu đen trào ra mũi, miệng, người tím tái, tim ngừng đập hoàn toàn.
Nhưng trời không phụ công, đến phút 40, thì tim cháu bé từ từ đập trở lại, như một phép màu. Chúng tôi tiến hành đặt máy ECMO hồi sức tim, phổi cho bé.
Sau đó một tuần thì cháu cai được máy, 3 tuần sau xuất viện một cách thần kì. Đến bây giờ cháu vẫn còn sống khỏe mạnh. Ca phẫu thuật chiến thắng thần chết một cách ngoạn mục theo một cách khó tin. Vài năm trước, cháu có qua bệnh viện để chụp ảnh lưu niệm và cảm ơn bác sĩ”, BS Hiền kể.
Vị PGS trải lòng, phẫu thuật tim không quá khó, nhưng cũng chẳng dễ. Trên cơ thể người, hầu hết các bộ phận đều có 2 (2 lá phổi, 2 quả thận, 2 mắt,…), nhưng trái tim chỉ có một. “Để trái tim ngừng 2 phút thôi là đã mất tính mạng rồi. Chính vì thế khi chứng kiến bệnh nhân sáng đang thoi thóp, chiều sau ca phẫu thuật bỗng nhiên hồi tỉnh, đó là động lực cho mình, nhờ đó mình càng thấy ý nghĩa của nghề”, ông Hiền cho hay.
Ông Hiền cũng bộc bạch, từ khi ở trên cương vị là người đứng đầu bệnh viện, ông không còn “tìm thấy nhiều niềm vui như trước”. Bởi khối lượng công việc của một vị giám đốc khác với một bác sĩ đứng mổ. Ngoài cầm dao mổ, hiện tại bác sĩ phải phân bổ thời gian cho nhiều việc khác, nên “đam mê” của ông đành phải cắt bớt.
Nhưng không vì thế ông quên đi nhiệm vụ. Để có những ca bệnh thành công, vị bác sĩ đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi. Mặc dù là một bệnh viện tuyến thành phố, thế nhưng hiện nay Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những bệnh viện hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật, can thiệp tim. Như năm 2024, bệnh viện đã khám cho hơn 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị cho hơn 14.000 bệnh nhân nội trú, phẫu thuật tim mở cho hơn 2.300 ca, và can thiệp tim mạch cho hơn 12.700 ca.
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội
"Để trái tim ngừng 2 phút thôi là đã mất tính mạng rồi. Chính vì thế khi chứng kiến bệnh nhân sáng đang thoi thóp, chiều sau ca phẫu thuật bỗng nhiên hồi tỉnh, đó là động lực cho mình, nhờ đó mình càng thấy ý nghĩa của nghề".
Bệnh viện cũng đang ứng dụng phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất, phẫu thuật tim ít xâm lấn, bác sĩ chỉ cần rạch đường ngắn 4-6 cm, mổ qua khe xương sườn, không đụng chạm đến xương ức, đường mổ nhỏ, vết mổ cũng nhanh liền, bệnh nhân giảm đau tốt, giảm mất máu và đặc biệt là tránh được nhiễm trùng xương ức. Giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong. Bệnh nhân phục hồi nhanh, ngồi dậy sớm. Đặc biệt đối với phụ nữ lại vô cùng thẩm mỹ.
Còn với phương pháp mổ kinh điển, bác sĩ sẽ phải xẻ dọc xương ức với đường mổ khá lớn, đôi khi có thể để lại hậu quả như biến dạng lồng ngực, viêm xương ức rất nguy hiểm.
BS Hiền phân tích, phương pháp mổ tim ít xâm lấn gần như khắc phục hầu hết những hạn chế của phương pháp mổ kinh điển. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn được chia thành các cấp độ khác nhau, gồm không sử dụng nội soi, nội soi toàn bộ hoặc nội soi hỗ trợ. Phương pháp mổ ít xâm lấn là xu thế của thế giới, vừa điều trị được bệnh lại đảm bảo thẩm mỹ và hạn chế biến chứng.
Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là tránh được tổn thương xương ức, đặc biệt với các bệnh nhân cao tuổi. Sau mổ bằng phương pháp ít xâm lấn, người bệnh hồi phục nhanh, tiết kiệm chi phí, sau một tuần có thể xuất viện, trong khi phương pháp mổ kinh điển cần đến 2-3 tuần.
Bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội có thể mổ sửa hoặc thay van tim động mạch chủ, 2 lá, ba lá, điều trị rung nhĩ. Ngoài ra, các bệnh lý tim bẩm sinh cũng có thể mổ ít xâm lấn, như thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot, kênh nhĩ thất chung...
“Tuy nhiên, đây là kỹ thuật khó, vì việc thao tác trên trái tim đang đập trong phẫu trường hẹp nếu không làm tốt sẽ biến chứng, thậm chí là tử vong nhanh chóng.
Cho nên với phương pháp này, bác sĩ không được phép sai sót, phải tỉ mỉ, chỉ định y khoa chặt chẽ, chỉ một động tác thừa sẽ phải trả giá rất đắt, đó là tính mạng của người bệnh. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, trang thiết bị thực hiện cần được đầu tư kỹ lưỡng”, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi với phương pháp mổ mở, các bác sĩ nhìn và làm rất dễ, còn mổ ít xâm lấn thì chủ yếu nhìn qua camera, sẽ khó hơn. Hiện tại nhiều trung tâm mổ tim ở nước ta đã ứng dụng thành thạo phương pháp này, trình độ bác sỹ Việt Nam hiên tại ngang tầm thế giới. Tại các nước phát triển, chi phí phẫu thuật tim ít xâm lấn rất cao, cần dùng những dụng cụ đặc biệt, đầu tư bài bản.
Ở Việt Nam, do kinh phí còn hạn chế, bệnh viện Tim Hà Nội đã có những cải tiến, dùng các dụng cụ tự chế như dụng cụ tự chế bộc lộ nhĩ trái, kim tự chế truyền dung dịch liệt tim.
"Những dụng cụ này phù hợp với thể trạng người Việt Nam, song cũng đáp ứng đủ các tính năng sử dụng, đặc biệt không tốn kém như các thiết bị nhập ngoại", ông Hiền nói.
Theo BS Hiền, mô hình bệnh tật tại Việt Nam trong vòng 30 năm qua thay đổi ghê gớm. Đối với bệnh tim mạch, trước đây chúng ta gặp chủ yếu những bệnh liên quan đến viêm nhiễm, nhiễm trùng, bệnh lý tim bẩm sinh.
Bây giờ, các bệnh lý tim mạch chủ yếu liên quan đến chuyển hóa, nguyên nhân do đời sống nâng cao, chế độ ăn thay đổi, ô nhiễm môi trường, bệnh lý về tim mạch thay đổi rõ ràng.
“Con người còn tồn tại, bệnh tim cũng sẽ còn, ngay cả động vật cũng có những bệnh tim. Bệnh lý tim mạch song hành với loài người, ta phải chấp nhận nó và cần phát triển những phương pháp ngày càng hiện đại để chữa trị”
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền
Bác sĩ Hiền lấy ví dụ, cách đây 20 năm, 30 năm thì chủ yếu là bệnh thấp tim và bệnh tim bẩm sinh. Những ca đầu tiên tại Bệnh viện Tim Hà Nội cách đây 20 năm, có tới 70 % là bệnh tim bẩm sinh, còn 30 % là bệnh lý mắc phải, nhưng đến bây giờ thì bệnh tim bẩm sinh chỉ chiếm 30 % trong tổng số các ca mổ còn lại 70% là mắc phải.
Như năm 2024, bệnh viện mổ 2.300 ca, thì chỉ có hơn 600 ca là tim bẩm sinh, còn lại là bệnh mắc phải do vấn đề chuyển hóa và lão hóa. Đó là các bệnh: xơ vữa động mạch vành, xơ vữa động mạch chủ dẫn đến nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ, thoái hóa các van tim ở người già.
“Con người còn tồn tại, bệnh tim cũng sẽ còn, ngay cả động vật cũng có những bệnh tim. Bệnh lý tim mạch song hành với loài người, ta phải chấp nhận nó và cần phát triển những phương pháp ngày càng hiện đại để chữa trị”, PGS Hiền chia sẻ.