VNG (Upcom: VNZ) do ông Lê Hồng Minh làm CEO vừa có thông báo, cổ đông lớn của doanh nghiệp là VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).
VNG Limited được biết đến là cổ đông lớn nhất của VNG với tỷ lệ 49% (tính tới ngày 2/8). Đây là một tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands) - một thiên đường thuế trên thế giới. Thông tin trên tạp chí Nhịp sống thị trường đã lý giải vì sao Cayman lại được xem như thiên đường thuế.
Thiên đường thuế Cayman.
Cayman là một trung tâm tài chính (Offshore Financial Center – OFC) lớn trên thế giới. Cayman gồm 3 hòn đảo là Grand Cayman, Cayman Brac và Little Cayman với tổng diện tích 264 km2; thủ đô là George Town.
Đây là một lãnh thổ bên ngoài thuộc Anh, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, phía Tan của Cuba và phía Tây Bắc Jamaica.
Ngày nay, Cayman nổi tiếng nhất với vai trò là một trung tâm dịch vụ tài chính offshore tầm cỡ toàn cầu. Nơi đây không có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thặng dư vốn cổ phần, thuế thừa kế, thuế bất động sản hay thuế doanh thu. Vì thế, Cayman trở thành địa điểm lý tưởng để các tập đoàn đa quốc gia bảo vệ một phần hoặc toàn bộ thu nhập của họ khỏi các loại thuế.
Thông thường, các công ty sẽ thành lập 1 chi nhánh ở hải ngoại được đăng ký pháp nhân ở quần đảo Cayman, sau đó chuyển hướng tất cả doanh thu sang chi nhánh này. Nói cách khác, đây chính là 1 công ty vỏ bọc.
Theo luật thì công ty vỏ bọc mới là công ty làm ra lợi nhuận và sẽ áp dụng luật thuế của Cayman. Do đó, thay vì phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp (ví dụ 21% ở Mỹ), công ty gần như được miễn thuế.
Có tới hơn 100.000 công ty được đăng ký tại quần đảo Cayman, nhiều hơn cả số dân tại đây (65.000 dân). Theo số liệu cập nhật đến năm 2016, trong đó có gần 300 ngân hàng, 750 công ty bảo hiểm và 10.500 quỹ tương hỗ. Quần đảo Cayman cũng có sàn chứng khoán, được mở ra vào năm 1997. 40 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới có chi nhánh tại Cayman.
Thông thường, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng số vốn tối thiểu 50.000 USD là đã đủ điều kiện đăng ký kinh doanh ở đây. Mỗi công ty phải có ít nhất 1 cổ đông nhưng có thể sử dụng quốc tịch của bất cứ quốc gia nào. Tương tự, công ty chỉ cần ít 1 một giám đốc và dùng quốc tịch nào cũng được.
Các công ty đã đăng ký tại đây cũng không phải nộp báo cáo tài chính, khi các công ty này thực hiện hoạt động ngoài biên giới thì họ không phải khai báo thuế hoặc nộp thuế. Trong khi đó, giống như các thiên đường thuế khác, nơi đây rất coi trọng sự riêng tư.
2 ngành du lịch và dịch vụ tài chính đóng góp phần lớn GDP của quần đảo (50-60%). Ngành du lịch chủ yếu hướng tới thị trường xa xỉ và phục vụ những du khách đến từ Bắc Mỹ.
Ngoài ra, 1 nguồn thu ngân sách lớn khác đến từ mức thuế nhập khẩu 22%. Một số sản phẩm như sữa công thức được miễn thuế này nhưng những chiếc ô tô đắt đỏ có thể phải chịu mức thuế lên đến 42%.
Người dân quần đảo Cayman được hưởng chỉ số GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới (ở mức hơn 78.000 USD, theo số liệu 2021) và cũng là một trong những nơi có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới. Theo Forbes, quần đảo Cayman có đồng nội tệ mạnh thứ 7 thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây khá thấp.
Đồng tiền của quần đảo Cayman.
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã thực hiện nhiều cách để ngăn chặn các công ty né thuế và tăng tính minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu. Một trong những thay đổi lớn nhất là yêu cầu các công ty phải “thực sự có hoạt động kinh tế đáng kể” ở nơi mà họ đăng ký pháp nhân.
Dẫu vậy, quần đảo Cayman vẫn thực sự là lựa chọn tối ưu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia bởi có môi trường kinh tế và chính trị ổn định.
Theo tạp chí VnEconmy, tính đến hết năm 2015, Cayman đã đầu tư vào 67 dự án với vốn đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD tại Việt Nam. VinaCapital, IndochinaCapital, Mekong Capital, Saigon Asset Management Corporation đều là những công ty quản lý quỹ đến từ Cayman, và đang hoạt động mạnh tại Việt Nam.
Vân Anh (T/h)