Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vén màn bí mật cho, nhận con trên mạng (kỳ cuối): Những cảnh báo “chết người” từ lời dụ dỗ cho, nhận con qua mạng - Nguy cơ trở thành đồng phạm

(DS&PL) -

Mặc dù việc cho, nhận con nuôi đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, song trên các diễn đàn mạng, việc này lại diễn ra đầy bát nháo và dễ như “trở bàn tay”...

Mặc dù việc cho, nhận con nuôi đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, song trên các diễn đàn mạng, việc này lại diễn ra đầy bát nháo và dễ như “trở bàn tay”, không có bất cứ điều kiện pháp lý nào ràng buộc cả. Rõ ràng hệ lụy từ việc này là không thể tránh khỏi.

Những lời mời cho, nhận con nuôi “dễ như trở bàn tay”

PGS.TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng bộ Y tế nhận định, vô sinh đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam. Theo báo cáo của bộ Y tế, hiện nay ở nước ta có hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn. Ở những cặp vợ chồng này, họ luôn có một nỗi khao khát mãnh liệt- “khát con” và họ đã tìm đến giải pháp nhận con nuôi.

Theo luật Nuôi con nuôi có hiệu lực từ năm 2010, để xin con nuôi, các cặp vợ chồng phải làm hồ sơ xin xác nhận tại địa phương nơi người được cho hoặc nơi vợ chồng nhận. Tuy nhiên, không phải vợ chồng nào có nhu cầu cũng nắm được các quy định. Trong khi đó, lượng trẻ em bị bỏ rơi vì các hoàn cảnh cũng không ít. Trước những nhu cầu đó, đã có nhiều trang mạng với tên gọi "Hội cho nhận con nuôi" ra đời trên mạng xã hội như một nơi để kết nối người muốn cho và người muốn nhận.

Theo ghi nhận của PV, chỉ cần lướt trên các diễn đàn, đọc các comment và trạng thái đủ thấy việc cho, nhận con là quá đơn giản. Chưa biết thực hư việc cho và nhận con thế nào nhưng nó là hồi chuông báo động về lối sống dễ dãi của các bạn trẻ.

Nhiều nhóm hội cho và nhận con nuôi mọc lên như nấm trên mạng xã hội.

“Hội cho và nhận con nuôi”- tên gọi đẹp đẽ, mục đích thì nhân văn, tuy nhiên, nếu không cẩn thận, đây là những cái bẫy lừa đảo nhắm vào những người "khát con" để kiếm tiền bất chính. Tất cả những trường hợp từng nhận con trên mạng đều cho rằng họ gặp rất nhiều “cò mồi” với các chiêu vòi tiền môi giới, tiền bồi dưỡng tới cả vài chục triệu đồng.

Thực tế thời gian qua, công an tại nhiều địa phương cũng đã liên tiếp triệt phá hoạt động buôn bán trẻ em thông qua các hình thức cho nhận con nuôi. Tháng 6/2019, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia. Các đối tượng trong đường dây đã tìm kiếm các em bé chỉ vài ngày tuổi và bán sang Trung Quốc.

Một điều tra viên cho biết, chuyên án bắt đầu từ những thông tin về việc một số đối tượng thường xuyên có mặt tại các bệnh viện phụ sản tại Hà Nội để tìm các sản phụ có hoàn cảnh khó khăn và mua các em bé với giá vài chục triệu đồng. Ngôi nhà quận 12, TP.HCM là nơi các đối tượng đưa các em nhỏ về đây, đợi tìm được các gia đình đưa sang Trung Quốc bán. Bé trai được bán với giá từ 260 - 270 triệu đồng, bé gái từ 130 - 140 triệu đồng.

Các đối tượng đóng vai mình là phụ nữ không có khả năng sinh con nên muốn tìm con về nuôi. Ban đầu qua các hội nhóm cho nhận con nuôi trên Facebook, đối tượng ở Trung Quốc sẽ tìm gia đình có nhu cầu mua trẻ em. Các đối tượng trong đường dây khai nhận thực hiện trót lọt 9 vụ.

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Tuấn Anh (đoàn Luật sư Bắc Ninh) nhìn nhận: “Việc rao tin cho và nhận con nuôi trên mạng, nếu những quan hệ này mà được thực hiện theo đúng quy định và trình tự thủ tục pháp luật vẫn được pháp luật chấp nhận. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý, cho, nhận con nuôi qua mạng dễ nảy sinh những hành vi mua bán trẻ, lạm dụng tình dục.

Để tránh bị lừa đảo, cũng như để đảm bảo về vấn đề pháp lý cả bên cho và bên nhận con nuôi nên tìm hiểu rõ thông tin của đối phương. Những người có nhu cầu nhận con nuôi hãy cẩn trọng trước những lời mời chào trên mạng xã hội và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo những trang fanpage lừa đảo”.

M.A. (một đầu mối mà PV tiếp cận được) dẫn PV lên phòng nuôi các bà bầu.

Đưa con nuôi “xuất ngoại chui” là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV ĐS&PL, đại diện cục Con nuôi (bộ Tư pháp) cho biết: “Nguyên tắc nuôi con nuôi là tìm gia đình cho trẻ, chứ không phải tìm trẻ cho gia đình. Theo thông tin phản ánh, có những người đứng ra thỏa thuận đưa bà bầu sang nước khác sinh con rồi cho con nuôi là trái quy định của pháp luật”.

Đại diện cục Con nuôi khẳng định: “Một người muốn nhận con nuôi phải làm đúng trình tự thủ tục pháp luật. Nuôi con nuôi trong nước hay nước ngoài đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo luật Nuôi con nuôi, người muốn nhận con nuôi (trường hợp ở trong nước) phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Về trình tự đăng ký việc nuôi con nuôi, người nhận con nuôi phải trực tiếp nộp hồ sơ nhận con nuôi cho UBND cấp xã, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi. Trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ Tư pháp hộ tịch phải kiểm tra, xác minh kỹ về tính tự nguyện của việc cho và nhận con nuôi, tư cách người nhận con nuôi, mục đích người nhận con nuôi. Người xin và cho con nuôi đều phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua các hội nhóm cho và nhận con nuôi, mọi người đều chỉ nhau cách lách luật để không gặp rắc rối và 2 bên tự thỏa thuận. Luật Nuôi con nuôi đã có quy định rõ ràng, tốt nhất các gia đình hãy tìm địa chỉ uy tín để nhận con nuôi và tiến hành thủ tục theo đúng pháp luật để tránh những phiền phức, hệ lụy.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 1 số thứ Hai (119)

Tin nổi bật