Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VCB đẩy mạnh và phát triển mô hình ngân hàng số, triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số

  • Phòng Kế hoạch – Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt
(DS&PL) -

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng số hóa và các ứng dụng của chuyển đổi số đã thay đổi mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu.

Nhận thức được tầm quan trọng mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu vượt bậc của chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương đúng đắn, mang tính chất đột phá, quan trọng, là nhiệm vụ chính trị mang ý nghĩa chiến lược, có tính cấp thiết, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt tạo bước đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2021-2025 được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bám sát quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Bộ chính trị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo của Ngành Ngân hàng tại Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/05/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số; phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa các mô hình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; đẩy mạnh các ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số tiên tiến vào các hoạt động ngân hàng, cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong ngân hàng và tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi ngành tài chính, hướng tới mục tiêu xây dựng, củng cố nền tảng văn hóa - “Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn” của Vietcombank ngày càng vững chắc.

Thực hiện chỉ thị số 01/CT-NHNN[1] của NHNN ngày 15/01/2024 v/v triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng”; Vietcombank đã xây dựng và lên lộ trình triển khai kế hoạch hơn 300 sáng kiến theo 4 trụ cột: Số hóa (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation)”.

 

ĐI ĐẦU TRONG ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa

VCB luôn chú trọng đa dạng hóa và đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên các kênh số cũng như cải thiện hành trình khách hàng trên các nền tảng giao dịch số (VCB Digibank, VCB Digibiz, VCB-iBanking, VCB Cashup), đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thu hút, khuyến khích khách hàng chuyển dịch dần thói quen giao dịch lên các kênh số. Nổi bật có thể kể đến như: VCB đã triển khai thành công nền tảng số VCB Digibank dành cho khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất nền tảng Internet Banking và Mobile Banking và nền tảng số Omni channel VCB DigiBiz dành cho khách hàng SME. Bên canh đó, VCB cũng liên tục đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích lên kênh số. Đến thời điểm hiện tại, VCB Digibank đang cung cấp hơn 230 sản phẩm/dịch vụ/tiện ích đến khách hàng cùng với việc liên kết hợp tác thanh toán trên VCB Digibank với hơn 1.700 đối tác trong hầu hết các lĩnh vực. Triển khai ứng dụng công nghệ eKYC trong việc xác thực, định danh khách hàng và đăng ký một số sản phẩm dịch vụ kèm theo nhằm đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đáp ứng nhu cầu khách hàng mọi lúc, có thể kể đến mở tài khoản, mở CIF, đăng ký VCB Digibank, mở tài khoản/tài khoản số chọn, đăng ký gói tài khoản, sản phẩm thẻ…Bên cạnh đó, VCB luôn chú trọng nâng cao khả năng kết nối liên thông khả năng thanh toán. Trong đó, cung ứng những giải giải pháp thanh toán mới với công nghệ hiện đại và bảo mật được công nhận bởi các Tổ chức quốc tế như Giải pháp biên thiết bị di động cá nhân thành thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ VCB Tap to phone, đầu tư cải tiến SmartPOS, Phát triển đơn vị chấp nhận thẻ, trả góp thẻ, Thanh toán định kỳ Gia tăng các phương thức thanh toán với các tổ chức toàn cầu như Samsung Pay, Google Pay, Apple Pay; Liên tục cải tiến và mở rộng các phương thức thanh toán nội địa; kết nối với các đối tác để triển khai thanh toán song phương xuyên biên giới, trong đó mở rộng thanh toán nguồn tài khoản qua mã QR Việt Nam – Thái Lan và thanh toán nguồn thẻ qua mã QR với tổ chức thẻ quốc tế Unionpay (QR UPI); Số hóa các bước cung ứng dịch vụ khách hàng, đăng ký dịch vụ ĐVCNTT trực tuyến thông qua giải pháp Rapid Merchant Onboarding, số hóa biên lai cà thẻ điện tử. Với việc liên tục gia tăng các SPDV và danh mục đối tác hợp tác cung ứng dịch vụ, đồng thời, cải tiến, tối ưu trải nghiệm người dùng, trong năm 2023, VCB ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô khách hàng và giao dịch, tỷ lệ giao dịch trên kênh số tăng trưởng từ 83,9% năm 2022 lên 86,5%[1] năm 2023 và 92% trong 6 tháng 2024.

Đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng:

Thực hiện chuyển đổi thành công toàn bộ nền tảng hệ thống VCB Digibank lên New Core VCB Digibank, đảm bảo xây dựng hệ thống VCB Digibank hoạt động ổn định, thông suốt, chính xác. Đối với kênh ATM, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản trị hệ thống; thí điểm triển khai rút tiền mặt tại ATM bằng CCCD gắn chip, triển khai rút tiền mặt liên ngân hàng bằng QR. Triển khai thành công ứng dụng AI Chatbot trong hoạt động chăm sóc KH cá nhân và sẽ tiếp tục lộ trình mở rộng ứng dụng công nghệ AI chatbot trong cung ứng các sản phẩm/dịch vụ/tiện ích đến KH trên các nền tảng số. Tính đến hết tháng Quý III.2024, Digibot đã hỗ trợ hơn 2 triệu KHCN và xử lý tự động hơn 10 triệu yêu cầu của KHCN. Số lượng KH mới trung bình đạt khoảng 2.500 KH/ngày. Tập trung triển khai phương thức xác thực SmartOTP đồng bộ cho VCB Digibank phiên bản Web và App, tạo ra công cụ hỗ trợ KH giao dịch thanh toán an toàn với hạn mức cao.

Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT)

Cùng với xu thế thương mại điện tử, VCB thực hiện đẩy mạnh phát triển các giao dịch TMĐT để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, tăng doanh thu phí cũng như nguồn không kỳ hạn. Mở rộng phát triển mạng lưới đối tác thanh toán TMĐT rộng khắp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chiếm thị phần hàng đầu trên thị trường về quy mô đối tác thanh toán TMĐT và doanh số thanh toán TMĐT. Các lĩnh vực trọng tâm đã phát triển hợp tác thanh toán TMĐT: Trường học, bảo hiểm, logistics cảng biển, Bảo hiểm, Hàng hóa bán lẻ, du lịch, truyền thông, quảng cáo, hàng không, Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG đạt 1,6 triệu giao dịch, tương đương GTGD đạt 1.467 tỷ đồng (tăng 451% về SLGD và 40% về GTGD so với 2022). Tích cực hợp tác với nhiều trung gian thanh toán lớn để tăng khả năng tiếp cận mở rộng thị phần thanh toán TMĐT.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Mở rộng ứng dụng công nghệ eKYC để phát triển KH mới mở tài khoản và giao dịch trên nền tảng số VCB Digibank cũng như liên kết giao dịch trên các nền tảng số của đối tác, đã là 1 trong những ưu tiên trọng tâm, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở cả những khu vực ngoài đô thị, vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2023 ghi nhận phát sinh khoảng 5.000 giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 11 tỷ đồng. Hợp tác thành công với VNPOST triển khai dịch vụ thu tiền mặt vào tài khoản thanh toán tại VCB từ bưu cục VNPOST, và dịch vụ chi tiền mặt tại bưu cục VNPOST. Dịch vụ cho phép KH ở vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng nộp tiền mặt vào TK VCB để thuận tiện cho giao dịch không dùng tiền mặt. VCB đã phối hợp với M-service triển khai thí điểm dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ từ năm 2013 cho phép KH là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, người lao động  di cư, những người không có tài khoản ngân hàng (TKNH) hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ NH thực hiện các giao dịch thanh toán (chuyển tiền, nạp/ rút tiền vào ví điện tử) thông qua hệ thống mạng lưới đại lý (là các cửa hàng, tiệm tạp hóa...).. Tích lũy đến 31/12/2023 có gần 10,5 triệu KH sử dụng dịch vụ, trong đó có hơn 2 triệu khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, đồng hành cùng chuyển đổi số quốc gia

 

VCB tự hào là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ Công quốc gia. VCB là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến theo phương thức Single Sign On giữa Cổng DVCQG với hệ thống VCB nhằm giúp người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào Cổng DVCQG sử dụng các dịch vụ công mức độ 4, với các dịch vụ là Thanh toán phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân, Lệ phí trước bạ ô tô/xe máy, dịch vụ thanh toán trực tuyến cho cơ quan BHXH, dịch vụ thanh toán thuế trước bạ, thanh toán bảo hiểm bắt buộc cho doanh nghiệp, dịch vụ thu phí, lệ phí hành chính công, thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao thanh toán tiền tạm ứng án phí trên Cổng DVCQG cho một số tỉnh/thành phố. Xây dựng hệ sinh thái đối tác đa dạng các loại hình thanh toán hóa đơn trực tuyến trên các nền tảng số của ngân hàng (Billing trên VCB Digibank, Quầy VCB, Trích nợ tự động, Thanh toán QR/POS….) cho các dịch vụ tiện ích cuộc sống hàng ngày của KH: các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính,…Hiện tại, VCB đã cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực trọng điểm xã hội, kết nối người dùng thanh toán tại hơn 4.000 cơ sở giáo dục và 500 cơ sở y tế, các đơn vị hành chính công cấp Sở/Ban/Ngành trên toàn quốc.

PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG HỆ SINH THÁI SỐ

VCB luôn đẩy mạnh và phát triển mô hình Ngân hàng số thông qua việc nghiên cứu triển khai mô hình hoạt động ngân hàng số, phương pháp phát triển sản phẩm mới theo hướng tinh gọn, linh hoạt; cũng như Xây dựng mô hình Chi nhánh hiện đại – dựa trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 theo hướng tự động hóa, thông minh hóa hoặc tự phục vụ (self-service). Bên cạnh đó, VCB luôn chú trọng phát triển dịch vụ Ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống CNTT hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, nguồn lực của ngân hàng, có chính sách khai thác công nghệ hiệu quả thông qua việc phát triển những sản phẩm và nhóm sản phẩm áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm, tối ưu hóa các kênh phân phối sản phẩm, phát triển các kênh phân phối hiện đại qua điện thoại di động, Internet với chiến lược phù hợp, tận dụng nguồn cơ sở dữ liệu để phân tích khách hàng, thiết kế sản phẩm với sự tùy biến lớn hơn với nhu cầu của từng khách hàng; đẩy mạnh số hóa ứng dụng vào các quy trình nội bộ và quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.

 

Tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và hiệu quả quản trị nội bộ cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu VCB xác định trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm của người dùng, triển khai các sáng kiến nâng cao trải nghiệm khách hàng nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ như xác thực khách hàng điện tử (eKYC); nghiên cứu đề xuất giải pháp cho vay trực tuyến đối với các khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân, tiến tới tự động hóa quy trình cho vay trực tuyến đối với khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân; nghiên cứu giải pháp cho phép khách hàng thực hiện giao dịch với ngân hàng thông qua thẻ Căn cước công dân; triển khai kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ làm sạch dữ liệu và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng (Đề án 06/QĐ-TTg) theo các công văn chỉ đạo của NHNN, và Kế hoạch phối hợp triển khai giữa NHNN và Bộ Công an;…Mặt khác, VCB tiếp tục thực hiện tối ưu hóa quy trình nội bộ và tự động hóa tác nghiệp thông qua ứng dụng tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) vào các nghiệp vụ và triển khai các sáng kiến số hóa quy trình cũng như đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống phục vụ điều hành để phục vụ công tác quản trị, điều hành chung toàn hệ thống.

Nhằm phát triển đa dạng hệ sinh thái số, VCB không ngừng đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, khai phá tri thức từ dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động ngân hàng thông qua đầu tư và triển khai nền tảng RPA-AI tự động hóa quy trình nghiệp vụ; xây dựng nền tảng phân tích dữ liệu nâng cao áp dụng AI và các công nghệ số để đáp ứng yêu cầu phân tích, báo cáo phục vụ kinh doanh cũng như triển khai ứng dụng AI Chatbot trong hoạt động chăm sóc khách hàng dành cho  khách hàng.

Phát triển khách hàng sử dụng nền tảng kênh số: Phát triển quy mô khách hàng sử dụng nền tảng kênh số VCB Digibank, VCB Digibiz, khai thác từ nhóm khách hàng CIF mới, khách hàng hiện hữu đã có tài khoản tại VCB, thông qua các kênh eKYC trực tiếp trên VCB Digibank, eKYC trên nền tảng kênh số của đối tác, trực tiếp tại Quầy theo hướng dẫn của cán bộ VCB, trực tiếp theo lô tại các khu công nghiệp/tổ chức/trường học. VCB đã phát triển liên tục, nâng cấp các nền tảng số hiện đại, nâng cao trải nghiệm KH giao dịch thanh toán số trên các nền tảng của Ngân hàng như kênh ngân hàng VCB Digibank, VCB Digibiz, thiết bị giao dịch ngân hàng tự động (thiết bị ATM đa chức năng), thiết bị chấp nhận thanh toán POS đa chức năng, ứng dụng chấp nhận thanh toán trên thiết bị di động cũng như không ngừng đẩy mạnh, phát triển các giải pháp thanh toán hiện đại, tối ưu chi phí: Thanh toán QR Code, giải pháp thanh toán Soft POS, mPOS, Google Pay, Apple Pay,…

NGƯỜI DẪN ĐẦU VỀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

VCB là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu toàn quốc về việc đổi mới công nghệ, là ngân hàng đứng đầu ngành ngân hàng, luôn đi đầu, tiên phong về ứng dụng tiến bộ khoa học. VCB đã đặt trọng tâm tăng cường hiện đại hóa công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án chuyển đổi, tích cực triển khai hoạt động ngân hàng số với nhiều đổi mới đột phá. Liên tục trong 10 năm qua, VCB đã mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ thông qua việc dành ngân sách đủ lớn hàng năm và tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đảm bảo tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống. VCB đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng công nghệ bảo mật, đảm bảo tính ổn định và đồng nhất, luôn được kết nối thông suốt; đầu tư trang thiết bị và giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đây cũng là giai đoạn VCB tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ hơn 50 dự án chuyển đổi nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế giúp cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như: CTOM, ALM/FTP/MPA, Core Banking, Basel II, RTOM, ERP…

 

Trong các năm gần đây, VCB đã tập trung mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số; không ngừng đổi mới, sáng tạo để mang đến những trải nghiệm mới, hiện đại cho khách hàng, đi đầu trong việc cung cấp tới khách hàng nhiều sản phẩm/dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số hiện đại. Năm 2020, VCB đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank - ứng dụng ngân hàng di động cho phép khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi, dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính đa dạng. Ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank của VCB đã nhận nhiều giải thưởng lớn của các tổ chức uy tín trong nước và khu vực như giải thưởng Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam 2020 của The Asian Banker, giải thưởng Sao Khuê năm 2021, 2022, Giải thưởng chuyển đổi số tiêu biểu Việt Nam 2021. VCB đã nghiên cứu phát triển ứng dụng Ngân hàng số chuyên biệt VCB DigiBiz - được vinh danh tại lễ trao giải Sao Khuê 2022 vì mang đến những trải nghiệm thiết thực cho các doanh nghiệp SMEs trên nền tảng công nghệ 4.0. Trong năm 2024, Vietcombank đã giới thiệu về giải pháp định danh và xác thực thông qua kết nối trực tiếp (app-to-app) giữa app Ngân hàng và App VNeID. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này trên thị trường, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online cho người dân. Vietcombank cũng đồng thời trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của Ngân hàng nhà nước, giúp tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử. Trong tháng 6/2024, VCB đã cho ra mắt Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho Khách hàng cá nhân với toàn bộ giao diện và luồng trải nghiệm được thiết kế mới hoàn toàn cho từng phân khúc, cùng với những dịch vụ, tiện ích mới lần đầu tiên xuất hiện trên VCB Digibank như: Chuyển tiền “1 chạm”, Quản lý tài chính cá nhân, Quản lý nhóm, Chia sẻ thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT, Hỗ trợ khách hàng khẩn cấp,…Với giao diện đa dạng độc đáo cùng các tính năng ưu việt, VCB Digibank thế hệ mới đã nhận được hưởng ứng tích cực của khách hàng ngay sau khi ra mắt.

Với những đổi mới số hóa đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ nổi bật để mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, bảo mật, VCB đã được vinh danh là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu năm 2024[1]. Không chỉ dừng lại ở đó, VCB đang tiếp tục ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thanh toán dịch vụ công như cho phép khách hàng sử dụng VCB Digibank, QR Code, thanh toán không tiếp xúc… nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Với các nền tảng số đa dạng cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt, VCB đã đưa dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với đông đảo người dân đặc biệt người dân ở các vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc tiên phong phát triển các hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại đã giúp VCB không ngừng nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trên thị trường và tạo sự phát triển bền vững của Ngân hàng, từng bước đưa VCB trở thành ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam và trong khu vực.

VCB luôn nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, coi đây như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số của ngân hàng, góp phần quan trọng và sự phát triển của ngân hàng trong tương lai, nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển và Phương án cơ cấu lại của VCB đến 2025, tầm nhìn đến 2023. Chiến lược này đang được thực thi mạnh mẽ, có sức lan tỏa  rộng rãi từ cấp Đảng ủy, Ban Lãnh đạo tới đội ngũ Đảng viên, cán bộ và người lao động trong toàn hệ thống. VCB đã cho ra đời các sản phẩm dịch vụ số liên tục trong những năm qua, cùng với quá trình nâng cấp trải nghiệm khách hàng một cách mạnh mẽ chính là những thành quả bước đầu của quá trình đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số tại Vietcombank. Với mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 là tiếp tục khẳng định vị trí số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam, Vietcombank đã đề ra kế hoạch hành động chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng nhằm từng bước nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động. Việc Vietcombank đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ thanh toán và công nghệ hội thoại tương tác với khách hàng chính là minh chứng tiêu biểu trong hành trình hiện thực mục tiêu số hóa của thương hiệu ngân hàng Việt, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.

BÀI DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG NĂM 2024 CỦA CHI BỘ 05- PHÒNG KẾ HOẠCH ĐẢNG BỘ TSC

Tin nổi bật